TỒN TẠI LỖ BẦU DỤC TRONG TIM VÀ ĐỘT QUỴ NÃO Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI

Tác giả: BS.CK1. Huỳnh Quốc Hiếu

Phó khu điều trị đặc biệt – VIP

Khoa Thông tim can thiệp

Bệnh Viện Tim Tâm Đức

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Bệnh là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới năm 2019, tỉ lệ mắc đột quỵ não gia tăng theo tuổi nhất là những người trên 60 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình cứ 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi có xu hướng ngày càng tăng, chiếm 10-15%, số người trẻ và người trưởng thành chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Tồn tại lỗ bầu dục (PFO – Patent foramen ovale), khá phổ biến trong đột quỵ não không rõ nguyên nhân, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Lỗ bầu dục hiện diện ở khoảng 25% người lớn, là một lỗ thông thường giữa hai buồng tim (tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái) của tim thai nhi. Lỗ bầu dục này thường đóng trong khoảng từ 6 tháng đến một năm sau sinh. Sau khi sinh lỗ bầu dục này vẫn mở gọi là tim tồn tại lỗ bầu dục.

Bệnh Pfo Là Gì – Tồn Tại Lỗ Bầu Dục Có Nguy Hiểm Không – Thdcanada.com.vn

PFO có thể trở thành triệu chứng bằng cách cho phép cục máu đông từ hệ thống tĩnh mạch đi vào hệ thống động mạch và thuyên tắc đến mạch máu não, hoặc hiếm hơn vào động mạch vành, nội tạng hoặc ngoại vi. Biến chứng được xác định rõ nhất của PFO là đột quỵ, được định nghĩa là đột quỵ do thiếu máu cục bộ với vỏ não, chất trắng lớn hoặc nhồi máu võng mạc khi có PFO và không có nguyên nhân có khả năng được xác định nào khác.

Đóng tồn tại lỗ bầu dục bằng dụng cụ đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ đột quỵ tái phát đến 45% ở một số bệnh nhân chọn lọc.

Tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, tiếp nhận một bệnh nhân nam 28 tuổi, đã từng được chẩn đoán đột quỵ não, yếu nửa người phải, nhập bệnh viện địa phương, chẩn đoán: nhồi máu não diện rộng bán cầu não trái, tắc M2 động mạch não giữa, được điều trị 10 ngày, không tìm thấy các nguyên nhân gây đột quỵ não thông thường, bệnh nhân được điều trị phục hồi vận động dần, nhưng còn nói khó, được tiếp tục sử dụng các thuốc chống kết tập tiểu cầu. Sau đó, bệnh nhân đã được thực hiện siêu âm tim qua thực quản, ghi nhận tồn tại lỗ bầu dục với đường kính 2.5 mm và được chuyển đến Bệnh viện Tim Tâm Đức để tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, bệnh nhân được theo dõi đánh giá tổng trạng, các xét nghiệm máu thường qui được thực hiện, kiểm tra lại siêu âm tim và siêu âm tim qua thực quản. Hội chuẩn nội ngoại khoa và quyết định thực hiện đóng lỗ thông bầu dục bằng dụng cụ.

Thủ thuật được thực hiện trong phòng thông tim can thiệp, với sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA).

Bệnh nhân được thiết lập đường vào thông thường từ tĩnh mạch đùi phải, tiến hành các bước thông tim phải thường quy nhằm xác định chiều của luồng thông, sức cản mạch máu phổi…

Chúng tôi tiến hành dùng các dây dẫn để đưa qua lỗ bầu dục và dùng bóng để đo kích thước thật sự của nó, song song đó, bác sĩ siêu âm tim qua thực quản phối hợp cùng lúc để quan sát xem bóng đã bít hoàn toàn lỗ bầu dục chưa, còn có lỗ thông khác hay không.

Chúng tôi tiến hành đo đường kính căng nhất của bóng và đây sẽ là đường kính của dụng cụ bít được lựa chọn (lớn hơn đường kính của lỗ thông được bơm căng 1-2 mm). Eo của bóng cũng được xác định bằng thước đo để xác định lại số liệu đã đo được trên màn hình.

Tiếp theo dụng cụ bít (dù) sẽ được chúng tôi tiến hành để bít lại lỗ thông.

Quá trình thủ thuật được thực hiện trong 1h, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi tại khoa thông tim can thiệp 2 ngày sau đó và được xuất viện.

Hiện tại nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc đóng lỗ bầu dục ở bệnh nhân đột quỵ không rõ nguyên nhân nhằm phòng ngừa tái phát cơn đột quỵ não. Trên cơ sở các bằng chứng hiện tại, với quan điểm lấy bệnh nhân làm trung tâm, bệnh nhân còn rất trẻ, sẽ có nguy cơ bị một cơn đột quỵ khác, nên chúng tôi đã tiến hành thực hiện đóng lỗ bầu dục cho bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

  • https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/dot-quy/dot-quy-o-nguoi-tre-co-dau-hieu-gia-tang-9c55ea0f642e11d89eb1f0c5a1569e98.html
  • Pristipino C, Sievert H, D’Ascenzo F, et al. European position paper on the management of patients with patent foramen ovale: general approach and left circulation thromboembolism. Eur Heart J 2019; 40: 3182-95.
  • Pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29870380/
  • Dearani JA, Ugurlu BS, Danielson GK et al.. Surgical patent foramen ovale closure for prevention of paradoxical embolism-related cerebrovascular ischemic events. Circulation 1999;100(19 Suppl):II171–5. 10.1161/01.CIR.100.suppl_2.II-171

Leave a Reply

Your email address will not be published.