ĐO HUYẾT ÁP CHÍNH XÁC, KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP, SỐNG LÂU HƠN

Ngày huyết áp
Vào năm 1993, WHO và Hội tăng huyết áp Quốc tế (ISH) quy định mức huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên được chính thức gọi là tăng huyết áp. Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới.
 
Theo Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), số người sống chung với tăng huyết áp đã tăng gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2019, từ 650 triệu lên 1,3 tỷ người. Còn theo Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2021 là 26,2%, tương đương 17 triệu người.
 
Tăng huyết áp được xem là vấn đề y tế cộng đồng đang rất được quan tâm vì nó có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, suy tim, tổn thương thận và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Huyết áp cao còn có thể gây ra tổn thất kinh tế rất lớn cho bệnh nhân và gia đình lẫn hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia. Chính vì thế, nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về tăng huyết áp cùng các biện pháp hiệu quả phòng, chống huyết áp cao và bệnh tim mạch, từ năm 2005 Hội Tăng huyết áp Quốc tế kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định lấy ngày 17/05 hàng năm là Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp.
 
  • Đăng ký theo dõi kênh YouTube Vui Sống cùng Tâm Đức để xem các video chia sẻ về bệnh lý từ các bác sĩ – chuyên gia

 
Đặc biệt, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 2024 là: “Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống lâu hơn” nhằm nêu bật nhận thức về bệnh tăng huyết áp trên toàn thế giới, thúc đẩy các phương pháp đo huyết áp chính xác và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện kiểm soát tăng huyết áp để sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.
 
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 2024, mời bạn cùng Bệnh viện Tim Tâm Đức hưởng ứng, lan tỏa thông tin và hành động ngay. Đừng để huyết áp cao gây hại cho sức khỏe của bạn! Hãy cùng phòng chống tăng huyết áp và bảo vệ trái tim! 
 

MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐO HUYẾT ÁP

  • Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
  • Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa hai lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
  • Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà, hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.
  • Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập.
  • Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên, và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.

Leave a Reply

Your email address will not be published.