NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH KÌ 3_Dr. Minh Thủy: “NGHE NÓI CÀ MAU XA LẮM…”
Dr Minh Thủy
Hình ảnh: Minh Đức
Sớm mai chim ríu rít, nắng len qua những vạt lá chiếu xuống đường lấp lánh. Một vài con đường trong thành phố vẫn còn ngập nước, không rõ từ cơn mưa đêm qua hay từ những đợt lên xuống của thủy triều mà cống không kịp thoát. Chúng tôi trở lại Sản-Nhi đúng theo giờ hẹn. Cuối tuần nên bệnh viện không đông lắm. Hai nhân viên y tế đang ngồi trong lều sàng lọc. Xe dừng trước cổng, chú bảo vệ mở cửa lên xe xịt nước rửa tay cho từng người. Xe chở chúng tôi lại dừng trước khoa. Những chùm hoa giấy xếp lồng đèn và những chiếc bóng bay đung đưa trong gió như lời chào. Trong sảnh, các em bé bị bệnh đang chờ đến lượt khám, có đứa ngủ vùi ôm lấy ba, mặt phờ phạc, có đứa chạy lon ton. Chúng tôi tiến về phòng khám, phòng siêu âm đã chuẩn bị hôm qua, bắt đầu công việc cho ngày mới.
Hôm nay tôi có hẹn với các bạn nhỏ ở xa tận U Minh nếu sắp xếp kịp sẽ đến kiểm tra, có hẹn với một em bé tên T. mà tôi chăm từ năm xưa khi chưa đầy tuổi, đến cuộc mổ lần một tạm thời, đang chờ chúng tôi xuống Cà Mau khám để xem chỉ định mổ lần hai. Ngày cuối tuần có vẻ đông các em bé hơn. Những bệnh nhân lần lượt được chuyển siêu âm tim vì khám có âm thổi. Rồi những tổn thương tim như là thông liên thất, tồn tại ống động mạch, thông liên nhĩ lỗ lớn … được chị điều dưỡng phụ tôi ghi lại, gửi kết quả về cho bác sĩ trưởng đoàn để làm hồ sơ. Rồi chúng tôi sẽ gặp nhau ở Sài Gòn, trong những ngày tháng tới, những cuộc phẫu thuật vá lại những lỗ thông.
Điều dưỡng phòng bên dẫn sang một em bé tím ngắt, mẹ bế trên tay, cho em ngồi chờ trên ghế kèm lời dặn “chị ơi sắp xếp làm cho bé này trước nhé, nó tím quá, bác N. dặn bao giờ chị siêu âm thì gọi bác sang xem cùng”. Chị điều dưỡng làm cùng tôi đo SpO2 – đo oxy qua nhịp đập ở đầu ngón tay– trong khi tôi hoàn thành siêu âm cho bệnh nhân đang nằm trên giường. Bé con 3 tháng tuổi được thực hiện siêu âm tiếp theo ngay sau khi tôi báo với các bệnh nhân khác đang chờ vì sự ưu tiên này do bé tím nặng. “SpO2 66%”, chị điều dưỡng báo với tôi. Tôi hỏi nhanh thì mẹ bé vì sinh mổ, sau sinh ở lại Cà Mau nên chẳng biết gì về con, chỉ biết bé con đã từng chuyển lên bệnh viện Nhi đồng và “chỉ có ba nó biết bệnh, nhưng tui nghe nói là chưa làm gì cả”. Đứa nhỏ tím nặng đang khám là bé em trong hai bé sinh đôi, trong khi anh trai thì đang bệnh được bố bế đi khám họng ở ngoài kia. Tôi mời anh đồng nghiệp sang xem cùng để hội chẩn, tôi trả lời bằng siêu âm các câu hỏi của anh, và phương án nhanh chóng được đặt ra để đưa bé về Sài Gòn trong những ngày tới. “Để em kiu chồng em vô nghe bác sĩ nói chớ em hổng rành” khi chúng tôi báo kết quả kiểm tra của cháu. Bé con tím môi hơn khi khóc vì sợ, vì lạnh, mẹ bé quấn trong chiếc khăn, ôm sang phòng cạnh bên làm thủ tục hoàn chỉnh. Tôi hỏi chị “còn anh trai bé đã kiểm tra tim chưa?”, chị ấy bảo với tôi “đã khám rồi, bé kia hông có tím bác sĩ”. “Hay cứ đưa vào đây bác sĩ kiểm tra luôn nhé!”, tôi nói trước khi chị bồng con ra ngoài và tôi tiếp tục với các bé khác đang chờ.
Bé T. tím lại sau cuộc mổ lần một cũng đến theo hẹn với tôi cũng sẽ được mổ lại lần hai.
Bé trai hẹp hở van động mạch phổi tái phát sau phẫu thuật lần một cũng sẽ được mổ lại.
🌻Một em bé khác lại được điều dưỡng dẫn vào, ngồi cạnh bên chờ tôi vì người nhà thấy cháu tím môi khi khóc. Thật may vì khi tôi xem, môi bé hồng hào, em chỉ thở nhanh và có một ống động mạch to tồn tại, chỉ cần phẫu thuật đóng lại trong thời gian tới.
Đến lượt một cậu con trai đi với bà. Bé nằm trên giường, tự kéo áo lên rất ngoan để tôi kiểm tra siêu âm tim. Tôi vừa hỏi tên để nhập vào máy, vừa bắt chuyện hỏi thăm với bé “con học lớp mấy rồi?” “con lớp 1” “ơ, sao nhìn con bác sĩ tưởng lớp 3 cơ”. Bà nội cháu bảo “đúng đó bác sĩ, con học lớp 1 cũng 3 năm nay rồi”. Lòng tôi chùng lại khi nghe kể về đứa nhỏ, ba cháu mất sớm vì bệnh, mẹ cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, tai biến mạch máu não khi còn rất trẻ, nằm một chỗ, bà nội dẫn bé đi khám ở Chợ Rẫy từ lâu trước rồi mãi cho đến nay. Bản thân bé cũng ảnh hưởng chất độc da cam nhưng ủi an là lỗ thông trong tim rồi sẽ được phẫu thuật vá lại. Sau cuộc phẫu thuật, con có thật sự có một tương lai khác?! Cháu bé cùng bà bước ra khỏi phòng siêu âm để sang phòng hội chẩn. Chẳng bao lâu sau tôi nghe có tiếng ồn ào bên ngoài “để nó nằm đây nè, để nó nằm lên ghế đi”. Thì ra chỉ là đứa nhỏ ngã ra ngủ một giấc ngon lành. Đường từ thôn xóm các huyện đi về thành phố Cà Mau đã xa quá, chuyến đi sớm kịp lên khám làm đứa nhỏ mệt nên lăn ra ngủ ngon lành. Hi vọng ngày mai cũng tươi đẹp nhẹ nhàng hơn như giấc ngủ chợt đến, như những nụ cười tìm thấy trong giấc mơ con- một đứa nhỏ đã mang quá nhiều những thiếu hụt từ những ngày thơ ấu.
Tôi lại nhận một mảnh giấy của đồng nghiệp về một trường hợp 24 tuổi, tôi hỏi thì em vừa sinh con được hơn hai tháng. Em đeo khẩu trang nên tôi chỉ kịp nhìn thấy những đầu ngón tay mặt kính đồng hồ. Tôi nhờ điều dưỡng kiểm tra SpO2 và hỏi chuyện em. Một lần nào đó cũng khá lâu rồi, khi em còn nhỏ em nhớ là được đưa lên Sài Gòn nhưng rồi bác sĩ nói không thể làm gì khác vì phương tiện hồi đó không chẩn đoán và điều trị được. Rồi em đến giờ vẫn quanh quẩn ở Cà Mau, rồi lấy chồng, rồi mang thai đứa con đầu “chế biết hông, bác sĩ la dữ lắm khi em bầu đứa con, nhưng em muốn có một đứa, nó ngoan lắm, hai tháng rưỡi rồi”. Tôi mất khá nhiều thời gian vì siêu âm tim bẩm sinh ở người lớn có những hạn chế riêng, một số mặt cắt thật sự khó khảo sát trọn vẹn. Bệnh tim bẩm sinh tím không lỗ van động mạch phổi với thông liên thất lớn và nhiều tuần hoàn bàng hệ giữ oxy của em trên mức 80%. Thiên chức làm mẹ hoàn toàn là thử thách và may mắn sao em và bé vẫn an toàn. Em ngồi dậy, vừa cài cúc áo vừa nói “cám ơn chế nha chế, em không biết nếu mổ thì có đủ tiền để mổ không!”. Em và mẹ em được giải thích sau đó về phẫu thuật tim, nói về hành trình dài phía trước và ước lượng chi phí phẫu thuật cũng như thủ tục hồ sơ cần làm để được hỗ trợ chi phí. Em cần về Sài Gòn để có thể được đánh giá thêm về tình trạng bệnh hiện tại và khả năng phẫu thuật lúc này.
Trong phòng khám có những con muỗi bay qua bay lại, bên ngoài mây kéo đến, trời chuyển, gió lắc mấy cành cây bên cửa sổ đung đưa.
Tôi kiểm tra tim cho M., đứa nhỏ là anh trong cặp song sinh khi nãy, đôi má phúng phính, đôi môi hồng và nằm im, tròn xoe mắt nhìn tôi. M. cũng có một lỗ thông nhỏ xíu trong tim. Tuy nhiên, lỗ thông này không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con trong tương lai. Chúng tôi giải thích để ba mẹ bé hiểu và tập trung lo cho B. đứa em trai cùng ngày tháng năm sinh mà khác hẳn về hành trình bắt đầu cuộc đời.
Những em bé tận U Minh không kịp đến khám trong đợt này. Tôi nhận được tin nhắn mà cứ nghĩ mãi về những huyện rất xa hướng về phía Đất Mũi mà chúng tôi còn chưa có dịp tới. Mong là trong những chuyến sau, chúng tôi được địa phương sắp xếp có thể di chuyển đến Cái Nước, để khám được cho các bé, các cô chú có lẽ di chuyển từ những huyện lân cận như U Minh, Năm Căn, Đầm Dơi, Trần Văn Thời…sẽ dễ dàng hơn. Đợt này, dẫu về Cà Mau rồi mà vẫn còn những nơi “xa lắm” chúng tôi chưa đến được. Những chuyến sau, chuyến xe MT3 và hành trình trái tim mang đi sẽ đến, nơi mà chắc chắn nhiều bà con vẫn đang chờ.
Văng vẳng đâu đó trong tôi vẫn câu hát “nghe nói Cà Mau xa lắm” dù đoàn đã đi được một phần ba chặng đường về Sài Gòn. Năm 2020 với nhiều đình trệ vì dịch covid-19, chuyến xe đưa chúng tôi rời Cà Mau ngược về Bạc Liêu, Sóc Trăng,…những tỉnh thành miền Tây mà chúng tôi còn chưa quay lại trong năm nay như đã hẹn. Những hàng hoa sứ dài dọc đường về rung rinh cánh trắng, giản dị bình yên. Miền Tây sẽ lại yêu thương đón chúng tôi trong những chuyến xe thế này. Trên xe, anh điều dưỡng hỏi trưởng đoàn “nếu từ giờ đến cuối năm, mỗi tuần MT3 mình đi một tỉnh thì có đi nổi không anh N.?”
Leave a Reply