Tầm soát và Phát hiện sớm bệnh Đái tháo đường

Bác sĩ nữ - Khám bệnh Ngày của Cha

BS.CKI Lê Nguyễn Thanh Tuyền, Bác sĩ điều trị Khoa Phòng khám, Bệnh viện Tim Tâm Đức giải đáp cặn kẽ về bệnh đái tháo đường cũng như tất cả các thông tin cần biết liên quan căn bệnh rất phổ biến này.

Việt Nam có khoảng gần 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.. – GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế (Trích Báo Sức khỏe & Đời sống – 11/2024)

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường (Bệnh tiểu đường – Diabetic) là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa carbohydrate, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết kéo dài, có thể do thiếu hụt insulin, đề kháng insulin, hoặc sự kết hợp của cả hai yếu tố này.

Insulin là hormone cần thiết cho quá trình chuyển hóa glucose. Khi bệnh nhân thiếu insulin, sự chuyển hóa glucose không được thực hiện đầy đủ, dẫn đến tăng glucose trong máu.

Trong trường hợp đề kháng insulin, insulin được tiết ra đầy đủ nhưng tác dụng của insulin bị giảm gây ra tình trạng tăng đường huyết.

Phân loại bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường được phân chia thành bốn nhóm và mục đích của việc phân loại này là để có phương pháp điều trị phù hợp cho từng nhóm.

Đái tháo đường type 1

Chiếm khoảng 5–10% tổng số trường hợp, thường gặp ở người trẻ dưới 20 tuổi. Khi khởi phát, bệnh thường đi kèm với các triệu chứng rõ ràng, giúp cho việc phát hiện và điều trị được thực hiện sớm.

Đái tháo đường type 2

Thường xảy ra ở người lớn, chiếm tỉ lệ 90-95%. Bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng và có nhiều biến chứng khi được phát hiện. Do đó, cần phải tầm soát và phát hiện sớm để ngăn ngừa biến chứng.

Đái tháo đường thai kỳ

Loại bệnh này xuất hiện trong giai đoạn sớm của thai kỳ và hết sau khi sinh.

Thai phụ - sinh nở
Phụ nữ mang thai nên đặc biệt chú ý đến chỉ số huyết áp và đường huyết của mình.

Đái tháo đường do nguyên nhân đặc biệt

Bao gồm các trường hợp rối loạn tuyến tụy ngoại tiết, sử dụng thuốc như glucocorticoid, thuốc điều trị HIV,…

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường chủ yếu tập trung vào 2 nhóm chính:

  1. Nhóm biến chứng mạch máu nhỏ
  2. Nhóm biến chứng mạch máu lớn

Các biến chứng mạch máu nhỏ

  • Mắt: Có thể dẫn đến mù lòa.
  • Thận: Nguy cơ suy thận mạn tính.
  • Thần kinh ngoại biên: Gây tê bì, nóng rát, và đau nhức ở chân, bàn chân do đái tháo đường.

Các biến chứng mạch máu lớn

  • Não: Tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Tim: Có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc suy tim.
  • Mạch máu chân: Hẹp mạch máu chân dẫn đến đau cách hồi, loét khó lành, và trong trường hợp nặng, có thể phải đoạn chi.

Các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường

  1. Xét nghiệm đường huyết đói: Cần nhịn đói ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.
  2. Xét nghiệm HbA1C: Là phương pháp đo đường huyết gián tiếp có thể thực hiện mà không cần phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
  3. Nghiệm pháp dung nạp đường: Bệnh nhân cần nhịn đói 8 giờ trước khi xét nghiệm. Tại bệnh viện, nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân uống 200-250ml nước lọc pha 75g glucose và lấy máu xét nghiệm đường huyết sau 2 giờ.
  4. Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Được chỉ định cho những bệnh nhân có triệu chứng tăng đường huyết, như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Tiêu chí xét nghiệm chẩn đoán bệnh Đái tháo đường

  Đái tháo đường Tiền Đái tháo đường
Đường huyết đói ≥126 mg% (7 mmol/l) 100-125 mg% (5.6-6.9 mmol/l)
HbA1c ≥ 6.5 % (≥48 mmol/ mol) 5.7-6.4% (39-47 mmol/mol)
Nghiệm pháp dung nạp Glucose ≥200 mg (≥ 11.1 mmol/l) 140-199 mg% (7.8-11 mmol/l)

Tiêu chí xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường

Đối với bệnh nhân có triệu chứng

Nếu bệnh nhân có triệu chứng tăng đường huyết: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân, cần tiến hành xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên. Nếu kết quả đường huyết ngẫu nhiên ≥ 200 mg% (11.1 mmol/l), được chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.

Đối với bệnh nhân không có triệu chứng

Yêu cầu bệnh nhân cần có 2 kết quả xét nghiệm bất thường (theo tiêu chí xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường) tại cùng 1 thời điểm hay 2 thời điểm khác nhau thì được chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.

Cụ thể các trường hợp sau:

  • Đường huyết đói ≥ 126mg% (≥ 7 mmol/l) và HbA1C ≥ 6.5%: Được chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.
  • Đường huyết đói < 126mg% (< 7 mmol/l) nhưng HbA1C ≥ 6.5%: Cần xét nghiệm HbA1C lần thứ hai. Nếu kết quả lần hai đạt ≥ 6.5%, sẽ chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.
  • Đường huyết đói ≥ 126mg% (≥ 7 mmol/l) nhưng HbA1C < 6.5%: Cần làm xét nghiệm đường huyết đói lần thứ hai. Nếu kết quả lần hai cũng ≥ 126 mg%, sẽ chẩn đoán xác định đái tháo đường.

Nếu vẫn còn nghi ngờ về kết quả đường huyết đói, tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose.

Nếu kết quả đường huyết sau 2 giờ ≥ 200 mg% (11.1 mmol/l), sẽ chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường.

Các hướng dẫn đánh giá nguy cơ cần tầm soát bệnh đái tháo đường

Đối với bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì (Chỉ số BMI ≥ 23 kg/m² hoặc ≥ 25 kg/m²), cần tầm soát đái tháo đường nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau:

  1. Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc đái tháo đường.
  2. Tiền sử bệnh tim mạch.
  3. Tăng huyết áp.
  4. Mức HDL < 35 mg% (0.9 mmol/l) và triglyceride > 250 mg% (> 2.8 mmol/l).
  5. Không hoạt động thể lực.
  6. Béo phì nặng.
  7. Hội chứng buồng trứng đa nang.

→ Nếu kết quả xét nghiệm bình thường thì kiểm tra xét nghiệm máu ít nhất mỗi 3 năm/lần hoặc sớm hơn khi có sự thay đổi trong các yếu tố nguy cơ.

Bác sĩ Thanh Tuyền khuyến cáo:

  • Tiền đái tháo đường nên được kiểm tra xét nghiệm định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm/lần.
  • Đái tháo đường thai kỳ cần được theo dõi và kiểm tra xét nghiệm máu ít nhất mỗi 3 năm/lần.
  • Đối với người từ 35 tuổi trở lên, nên kiểm tra xét nghiệm máu ít nhất 3 năm/lần, hoặc sớm hơn khi có sự thay đổi trong các yếu tố nguy cơ.
  • Những người sử dụng thuốc glucocorticoid, thuốc điều trị HIV, hoặc thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai cũng cần được theo dõi và xét nghiệm máu định kỳ.

>> Bác sĩ dinh dưỡng chỉ ra cách uống cà phê an toàn cho người bệnh tim, tiểu đường

Bác sĩ - Điều dưỡng tư vấn uống thuốc

Kết luận

Bệnh đái tháo đường type 2 đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.

Bệnh tiến triển âm thầm và không có triệu chứng với nhiều biến chứng nặng nề làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân. Do đó, cần phải tầm soát và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường để ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Các xét nghiệm đường huyết đói, HbA1C và nghiệm pháp dung nạp glucose là những xét nghiệm cần cho việc tầm soát và phát hiện sớm đái tháo đường trên các đối tượng có nguy cơ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.