Bệnh Thận Đái Tháo Đường

Home / Y hoc thuong thuc / Bệnh Thận Đái Tháo Đường

BỆNH THẬN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tác giả: BS Nguyễn Thái Bình

Tổng quan về bệnh thận đái tháo đường

Khi bị đái tháo đường (ĐTĐ), người bệnh dễ xuất hiện các biến chứng: bệnh thận ĐTĐ, giảm thị lực, bệnh thần kinh ĐTĐ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Bệnh thận ĐTĐ thuộc nhóm biến chứng mạch máu nhỏ, tổn thương chính nằm ở cầu thận. Những người bị bệnh thận ĐTĐ thường không có triệu chứng sớm.

Hai quả thận có vai trò quan trọng trong cơ thể: lọc máu, loại bỏ các chất thải kèm với muối và nước dư. Nếu thận bị yếu, sẽ không có khả năng thực hiện được chức năng trên, các chất thải sẽ không được đào thải ra khỏi cơ thể.

Biết mình bị bệnh thận ĐTĐ sẽ cảnh báo người bệnh rằng thận đang bị nguy hiểm. Do đó, cần có những bước cần thiết để bảo vệ thận trước khi bệnh thận nặng hơn.

Trong một vài trường hợp, hai thận có thể ngưng hoạt động hoàn toàn. Khi đó, người bệnh sẽ cần được ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo để lọc máu.

Triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường

Thường người bệnh không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân lúc này vẫn có lượng nước tiểu bình thường. Để xác định bệnh thận ĐTĐ, các bác sĩ dựa vào các xét nghiệm để đo nồng độ protein (đạm) trong máu và nước tiểu để đánh giá chức năng của thận.

Giai đoạn muộn (khi chức năng thận bị mất ít nhất 75%) sẽ có các triệu chứng:

 Kiểm soát huyết áp kém dần.
 Có đạm trong nước tiểu.
 Phù chân, mắt cá, tay, mắt.
 Tiểu nhiều.
 Giảm nhu cầu sử dụng insulin, thuốc hạ đường huyết.
  Khó tập trung.
 Thở nông.
 Chán ăn.
 Nôn, buồn nôn.
 Ngứa dai dẳng.
 Mệt.

Nguy cơ của bệnh thận đái tháo đường

 Tiền căn gia đình có ĐTĐ, bệnh thận ĐTĐ, tăng huyết áp.
 Đường trong máu cao thường xuyên, lâu dài, HbA1c cao.
 Tăng huyết áp.
 Thừa cân, béo phì.
 Hút thuốc lá.
 Bị các biến chứng khác của ĐTĐ như bệnh mắt ĐTĐ hoặc biến chứng thần kinh do ĐTĐ.
 Có rối loạn mỡ máu; tăng cholesterol máu.
 Ăn nhiều đạm.
 Nam giới.

Làm thế nào để biết bị bệnh thận đái tháo đường?

Để tầm soát, phát hiện bệnh thận ĐTĐ, các bác sĩ sẽ cho tìm albumin vi lượng trong nước tiểu (microalbumin niệu), thực hiện mỗi năm trên các đối tượng:

 ĐTĐ type 1 sau 3-5 năm khởi phát bệnh.
 ĐTĐ type 2 ngay khi được chẩn đoán.
ĐTĐ trong thai kỳ.

Đo nồng độ Creatinin máu ít nhất mỗi năm 1 lần trên tất cả bệnh nhân.

Biến chứng của bệnh thận đái tháo đường?

Biến chứng của bệnh thận ĐTĐ có thể diễn biến từ từ qua nhiều tháng, nhiều năm. Bao gồm:

Giữ dịch, gây phù tay, chân, tăng huyết áp, phù phổi.
Tăng kali máu.
Bệnh tim mạch, có thể dẫn tới đột quỵ.
Tổn thương mạch máu võng mạc.
Thiếu máu.
Đau chân, tiêu chảy và các vấn đề khác liên quan đến tổn thương thần kinh và mạch máu.
Tổn thương thận không phục hồi (bệnh thận giai đoạn cuối), thậm chí cần chạy thận hoặc ghép thận.

​Điều trị bệnh thận đái tháo đường như thế nào?

Dĩ nhiên là cần phải kiểm soát đường huyết ở mức hợp lý. Ngoài ra, kiểm soát huyết áp cũng quan trọng không kém vì đường huyết và huyết áp cao sẽ phối hợp với nhau trong việc làm tổn thương các mạch máu và các cơ quan.

Kiểm soát tốt đường huyết (HbA1c<7%).
Giảm đạm niệu đến < 0,5g/24h.
Kiểm soát huyết áp thật tốt. HA < 130/80 mmHg ở bệnh nhân GFR > 15ml/ph/ 1,73m2.
Dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể để giảm đạm niệu và bảo tồn chức năng thận.
Theo dõi và điều trị đồng thời các biến chứng mạn tính khác.
Kiểm soát các biến chứng tim mạch: tăng huyết áp, hạ lipid máu.
 Nếu dùng thuốc điều trị các bệnh đi kèm, cần hỏi ý kiến của bác sĩ vì một số thuốc gây độc thận (ví dụ kháng sinh nhóm aminoglycosides, thuốc điều trị đau khớp kháng viêm không steroid,…)
Giới hạn khẩu phần ăn đạm.
Thay đổi lối sống: ăn giảm muối, bớt mặn, bỏ hút thuốc lá (nếu hút), giảm cân (nếu thừa cân), tập thể dục.

Việc phối hợp kiểm soát tối ưu tất cả các yếu tố trên (điều trị can thiệp đa yếu tố) không chỉ giúp điều trị bệnh thận ĐTĐ, còn giảm thiểu các biến chứng mạch máu nhỏ và lớn khác ở bệnh nhân ĐTĐ.

Tài liệu tham khảo:

1. KDOQI. KDOQI Clinical Practice Guidelines and Clinical Practice Recommendations for Diabetes and Chronic Kidney Disease. Am J Kidney Dis 2007; 49:S12.

2. PGS.TS. Nguyễn Thy Khuê, GS.TS. Thái Hồng Quang, PGS.TS Hoàng Trung Vinh, PGS.TS. Đỗ Trung Quân PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Đào, TS. Nguyễn Phi Nga, ThS. Diệp Thị Thanh Bình, TS. Trần Quang Nam Khánh. Khuyến cáo: bệnh thận đái tháo đường – VADE 10/2018.

3. Mayo Clinic, Diabetic nephropathy.

4. Hội Y Học TP Hồ Chí Minh, Bệnh thận đái tháo đường.

5. kcb.vn, Bệnh thận đái tháo đường.

Leave a Reply

Your email address will not be published.