XUẤT HUYẾT NÃO
Tác giả: Khoa cấp cứu
Xuất huyết não là gì?
– Xuất huyết não là một dạng của tai biến mạch máu não gây nên do mạch máu não bị vỡ, tạo nên khối máu tụ trong hộp sọ gây chèn ép các tổ chức não xung quanh, phù não, tăng áp lực nội sọ, đồng thời giảm máu nuôi não và có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.
– Xuất huyết não chiếm khoảng 15% tai biến mạch máu não.
– Những bệnh nhân bị xuất huyết não phải được theo dõi sát tại cơ sở y tế chuyên khoa để có thể phẫu thuật sọ não và giải áp kịp thời.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ xuất huyết não
– Tăng huyết áp không được kiểm soát đầy đủ, đặc biệt trên bệnh nhân lớn tuổi.
– Rối loạn đông – chảy máu, đặc biệt bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông máu để điều trị những bệnh lý tim mạch khác.
– Bất thường mạch máu não (dị dạng mạch máu não) như phình động mạch não, thông nối động- tĩnh mạch não.
– Sử dụng cocaine hoặc các chất gây nghiện khác.
– Bệnh lý nội khoa khác: Xơ gan do nghiện rượu hoặc do viêm gan,…
– Xuất huyết não có thể được thúc đẩy bởi té ngã, va đập tổn thương vùng đầu.
– Tiền căn bản thân có đột quỵ hoặc u sọ não.
Triệu chứng xuất huyết não là gì?
– Đau đầu dữ dội, đôi khi một số người mô tả đây là cơn đau đầu dữ dội nhất mà họ từng có kèm theo buồn nôn hoặc nôn.
– Rối loạn nhận thức: ý thức lộn xộn, hôn mê, lơ mơ hoặc kích thích.
– Đột ngột tê bì hoặc méo mặt, yếu liệt tay – chân, thường xảy ra 1 bên tay – chân.
– Các dấu hiệu khác: nói khó, nói ngọng, đột ngột nhìn mờ.
– Huyết áp thường tăng cao.
Tôi nên làm gì?
Khi nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm của xuất huyết não, bạn nên gọi ngay cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý: những bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông máu khi có những dấu hiệu cảnh báo như trên hoặc khi bị té, va đập vùng đầu dù nhẹ cũng cần tới ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời vì tình trạng xuất huyết não sẽ diễn tiến nhanh chóng và nguy cơ đe doạ tính mạng ở những bệnh nhân này.
Cần cung cấp cho nhân viên y tế biết bạn đang được sử dụng thuốc kháng đông loại nào để điều trị bệnh gì để có kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Phòng ngừa như thế nào?
– Kiểm soát huyết áp, điều trị các bệnh lý nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
– Bệnh nhân có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu cần tuân thủ điều trị, tái khám thường theo đúng lịch hẹn bác sĩ, đề phòng các chấn thương té ngã trong sinh hoạt hằng ngày.
– Bỏ thuốc lá.
– Giảm cân (nếu thừa cân, béo phì).
– Ăn chế độ ăn nhiều rau quả, trái cây.
– Duy trì hoạt động thể dục, thể thao