Nhật ký hành trình – Kì 2_Dr. Minh Thủy: “NGHE NÓI CÀ MAU XA LẮM…”

Home / Tin tức / Nhật ký hành trình – Kì 2_Dr. Minh Thủy: “NGHE NÓI CÀ MAU XA LẮM…”

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH KÌ 2_Dr. Minh Thủy: “NGHE NÓI CÀ MAU XA LẮM…”

Dr. Minh Thủy

Hình ảnh: Minh Đức

Cà Mau nắng sớm.

Chúng tôi đến Bệnh viện Sản -Nhi Cà Mau như đã hẹn.

Qua trạm kiểm soát sàng lọc covid ở cổng, chúng tôi được xe chở vào một khu nhà mới. Trước khoa ngay sảnh chào đón chúng tôi với những chùm bong bóng, những chùm hoa giấy cắt tay khéo léo treo như những chiếc đèn lồng.

Sau khi chuyển hết đồ đạc trên xe xuống, chúng tôi được rửa tay và di chuyển vào khu vực khám bệnh. Bệnh viện nhường cho chúng tôi ba phòng khám, chúng tôi bài trí lại gồm hai phòng khám bệnh, một phòng siêu âm tim. Nhanh chóng hoàn thiện theo ý mình, kéo cái giường, cái bàn, cái ghế và sắp đặt máy móc, thiết bị. Chúng tôi bắt đầu hành trình của ngày khám đầu tiên.

Tôi bắt chuyện với cô bác sĩ trẻ làm ở bệnh viện này, cô đứng cạnh bên xem tôi làm siêu âm trên chiếc máy xách tay mang theo. Tôi hi vọng là những chuyến đi về những nơi này, chúng tôi có thể không chỉ là giúp các bệnh nhân, còn hỗ trợ tốt nhất cho các đồng nghiệp ở vùng xa có thể chẩn đoán, điều trị ban đầu thật tốt. Cuộc gặp gỡ trong hành trình hôm nay tôi phần nào đó thấy vui hơn, vì cô bạn ở đó cùng, trao đổi về một số ca em từng khám và tôi trực tiếp làm siêu âm hôm nay. Tôi háo hức chỉ em những mặt cắt siêu âm tim đẹp, những cấu trúc cần tìm và cách để thấy được cũng như khảo sát nhanh siêu âm tim trong một số trường hợp các bé đến viện vì cấp cứu.

Hôm nay tôi cũng “có hẹn trước” với ít nhất hai bạn nhỏ đã phẫu thuật tim. Phụ huynh hay tin đoàn về Cà Mau nên tranh thủ đến kiểm tra thay vì từ “Cà Mau xa lắc” di chuyển về Sài Gòn. Chúng tôi vẫn “thường” gặp lại những người xưa trong những chuyến về quê như vầy. Sổ sách giấy tờ khám bệnh cũ hầu hết đầy đủ, có khi tôi còn có dịp nhìn thấy dòng chữ của chính mình từ năm nào trong những tệp hồ sơ cũ kỹ đó. Chặng đường đồng hành cùng các bé con đôi khi nhìn lại thấy thật dài. Cũng có đôi khi được báo là hồ sơ của con “bị mất”, “bị ướt mưa” do “dọn nhà mới”, “do nhà bị dột” và nhiều lý do nghe thương lắm. Khoảnh khắc gặp lại L. – cậu bé được ông nội dắt đến theo hẹn, da đen nhẻm, đôi mắt cười tinh nghịch và nghe con kể con vẫn đến trường, vẫn học khá giỏi. Đó là niềm vui không phải chỉ của riêng tôi, mà chắc rằng đó là niềm vui của hầu hết những người theo cái nghề “tim bẩm sinh” này. Một lần nào đó sau các cuộc phẫu thuật, gặp lại các con, nhìn các con khỏe mạnh và có một tuổi thơ được đi học, được chạy chơi như các bạn cùng trang lứa. Điều đó thật sự là hạnh phúc. Đôi khi, những cuộc gặp lại đi kèm những nỗi lo, những nghĩ suy về con đường phía trước, những cuộc phẫu thuật lần hai, lần ba đang chờ, khi những biến chứng muôn của lần phẫu thuật đầu tiên như hở van động mạch phổi, hẹp ống nối, hẹp van tái phát… bắt đầu có khi các con lớn hơn.

 

Những cuộc gặp mới toanh hôm nay cũng nhiều điều lắng đọng.

Vẫn những em bé mắt tròn trong veo ngơ ngác nhìn bác sĩ, nghe dụ khị “cho bác sĩ kiểm tra chút xíu thôi nha” và nằm im thin thít. Có đứa vẻ mặt e dè còn hơi sợ không biết bị đặt nằm trên giường để làm gì; lại có đứa rất dũng cảm kéo áo thật cao và ngửa cổ thật giỏi nữa. Có đứa nhỏ xíu quấn trong chăn, mắt lim dim ngủ vì còn chưa đầy tháng, có đứa thèm sữa khóc la rất to, chúng cần ba mẹ vỗ về, ôm ấp rất lâu mới chịu nín, thiêm thiếp ngủ cho bác sĩ kiểm tra xong. Những tiếng thở phào khi tôi nói là “tim cháu bình thường nhé”, những lo lắng trên nét mặt, đặt nhiều câu hỏi khi con có bệnh. Trong số họ, đôi khi ươm mầm hi vọng là một chẩn đoán khác ngay lúc này, dù trước đó đã được kiểm tra siêu âm tim bào thai và phát hiện bất thường tim.

Một trong số những người tôi gặp hôm nay là một cặp vợ chồng đã lớn tuổi. Em bé nhỏ cần mổ tim nhưng khóc quấy không kiểm tra được siêu âm. Người vợ cứ vậy chạy ra ngoài, để con nằm trên giường. Tôi vội vã buông đầu dò siêu âm, quay sang vịn vì sợ đứa nhỏ giãy đạp sẽ ngã. Nó chẳng buồn quan tâm, cứ khóc, thậm chí không thèm cả một cái mút tay ngọt ngào như bao đứa trẻ khác. Trong khi đó mẹ bé chạy vội ra ngoài kiếm chồng lấy chiếc bình sữa cho con. Nét khắc khổ, vẻ lo toan hiện trên gương mặt. Sau khi nghe tôi giải thích, họ bồng con sang gặp bác sĩ phẫu thuật rồi cầm xấp hồ sơ đứng chỗ bàn hướng dẫn ngay trước cửa phòng tôi. Tôi nhìn ra mà đâu đó cảm thấy rằng họ đang không biết sẽ bắt đầu từ đâu và hoàn thiện hồ sơ thế nào, để đưa đứa con nhỏ xíu đi về Sài Gòn trong những ngày sắp tới.

Sáng hôm nay tôi cũng gặp em bé chưa đầy ba tháng tuổi, được hơn ba kí lô một chút xíu, da tái xanh, thở rút lõm, bà ngoại bế trên tay đến khám, còn kể chuyện với tôi rằng “mẹ nó ngây dại lắm, hông biết chăm con, đưa cho tui.” Đứa nhỏ sanh non tháng nằm yên trong vòng tay bà ngoại, sau khi được nghe mình nói cháu sang gặp bác sĩ phẫu thuật để nghe giải thích và làm thủ tục vì phải mổ cho cháu rồi. Bà ngoại ôm cháu trên tay luống cuống bước xuống giường, sau lưng tôi còn đọng tiếng thở dài. Ngoài kia, những nhà tài trợ phẫu thuật tim đi cùng đoàn, đội hỗ trợ xã hội của tỉnh,  họ sẽ giúp bà, giúp cháu bé hoàn tất những thủ tục kể cả chi phí cho cuộc mổ của cháu. Dù sao đi nữa, đường phía trước còn dài, và xa…

Trong đợt khám này, chúng tôi cũng tổ chức khám cho cả người lớn. Khá nhiều trường hợp bệnh van tim, suy tim, thậm chí là suy tim với chức năng tim  rất kém được phát hiện. Có trường hợp được quyết định phẫu thuật, có trường hợp dùng thuốc, có trường hợp là những ngày dài phía trước họ phải đối diện với những đợt suy tim tái diễn đã được dự báo. Có một bác bệnh nhân trung niên khó nhọc nằm nghiêng sang trái với sức co bóp cơ tim 20%, hở van nhĩ thất nặng. trán lấm tấm mồ hôi, bác nói “hổm rày tôi nằm thấy khó thở nhiều lắm bác sĩ à, tôi vừa ra viện, lại mệt…”. Tôi giải thích với bác về bệnh tình, dặn dò về thuốc, về cách ăn uống, sinh hoạt… Tôi nói nhiều như vậy, chợt không rõ là, liệu bác ấy có nhớ không, có làm theo không và phía trước kia sự thật là có bao nhiêu lần nhập viện đang chờ.

Anh bác sĩ trong đoàn khám và gửi tôi kiểm tra siêu âm một trường hợp khác. Bệnh nhân là một thanh niên hơn ba mươi, da bủng, bụng báng, vẻ e dè khi tôi bảo nằm lên giường. Mọi thứ đều ổn về chức năng tim, nhưng cái chính yếu là một khối khá lớn ngoài tim có cấu trúc nhiều hốc bất thường, kèm theo tràn dịch màng phổi và màng bụng. Người bệnh đang nằm điều trị tại bệnh viện gần bên nghe có đoàn khám nên tìm sang chúng tôi… Tôi hội chẩn cùng đồng nghiệp ở Tâm Đức qua video call về những hình ảnh siêu âm với khối rất lạ này. Chúng tôi nghĩ là U trung thất, thậm chí là một khối u quái. Cả cuộc đời anh một mình, không người thân, nằm viện một mình, sang khám kiểm tra một mình… Ba mươi mấy năm trong hành trình, anh bệnh nhân ấy có bao ngày được vui? Tôi trả kết quả và gửi anh về gặp bác sĩ khám lại với suy nghĩ về một bản chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để tìm ra bệnh cho anh, không biết thế nào. Có điều gì đó vừa ngang qua, những điều chúng tôi làm trong hành trình của mình trở nên bé nhỏ, có những điều trong cuộc sống này như chúng tôi đang làm, cố chìa bàn tay về phía nào đó mà vẫn ngoài tầm với, những khoảng lặng buồn mà chúng tôi dẫu muốn cũng chưa thể điền hết vào bằng những yêu thương.

Tôi còn đang ngơ ngẩn với ca bệnh chưa có đáp án thì nhận một tấm giấy nhỏ từ anh đồng nghiệp phòng khám khác, ghi chú cho tôi “Nhịp tim nhanh/ thai 7 tháng”. Tôi vừa hỏi bệnh nhân vừa chuẩn bị siêu âm như thói quen thì biết hơn về chị, hơn bốn mươi tuổi, chị ấy mang thai con thứ ba hoàn toàn “ngoài ý muốn, bỏ không đành”. Chị kể với tôi rằng đứa đầu sinh thường nhưng đứa thứ hai phải mổ vì từng nghe nói trong lần sinh thứ hai theo dõi bệnh tim, nhưng rồi không khám và điều trị gì sau đó. Đến giờ thì “xoay trở thôi đã thấy rất mệt”. Tôi đỡ chị ấy nằm nghiêng sang bên và những tổn thương tim hiện ra trên màn hình siêu âm làm tôi nghĩ suy nhiều. Chúng tôi sẽ làm gì với người bệnh đang mang trong mình một sinh linh thành hình đã 7 tháng này? Tôi đọc cho chị điều dưỡng ghi vào bảng kết quả trả cho anh bác sĩ trong đoàn “Hẹp van hai lá nặng, Hở van ba lá nặng, Tăng áp phổi nặng, Rung nhĩ”, ở bệnh nhân mang thai 28 tuần. Tim tôi thắt lại, hành trình về Sài Gòn của chị và gia đình có thu xếp càng nhanh càng tốt như chúng tôi dặn dò? Những trường hợp như vầy, ngoài sự cố gắng của chúng tôi còn cần lắm sự hỗ trợ của đồng nghiệp Sản khoa,  khi tỉ lệ tử vong cả mẹ và con đều trở nên cao ngất. Chị có kể với chồng, với gia đình về sự bất trắc của thai kỳ lần này không? Tim tôi như có tảng đá đè ngang vậy. Bất chợt tôi thấy đường về Cà Mau xa lắc, gập ghềnh hơn lúc nào…

Đêm đó Cà Mau mưa, cơn mưa rào như cố xóa đi tất cả những điều trong lòng tôi sau một ngày dài. Những ca bệnh bẩm sinh, bệnh van tim có thể phẫu thuật điều trị, những ca khó còn vấn vương trong suy nghĩ, cả những ca bệnh mà ngoài tăng áp phổi nặng sau mổ, bệnh nhân còn đeo mang những bệnh lý khác, bệnh về phổi, vẹo cột sống và bất thường nhiễm sắc thể kèm theo. Những đôi mắt sáng trong, những nụ cười hồn nhiên, những tiếng cám ơn vội vàng và đâu đó trong lòng tôi còn có những trăn trở. Người dân ở những vùng xa vẫn đang cần chúng tôi, những miền quê xa tít vẫn cần tiếp tục đổi mới, cần những bàn tay nắm lấy những cuộc đời và cần những chở che nhiều hơn nữa.

(còn tiếp)

 

> Đọc tiếp: NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH KÌ 3_Dr. Minh Thủy: “NGHE NÓI CÀ MAU XA LẮM…”

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.