NGƯNG THỞ KHI NGỦ

Tác giả: BS Nguyễn Lê Huy Hoàng – Khoa Nội tim mạch 5

NGƯNG THỞ KHI NGỦ LÀ GÌ? (ĐỊNH NGHĨA)

  • Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Bình thường trong giấc ngủ, không khí sẽ di chuyển theo mũi vào họng và phổi theo chu kỳ đều đặn. Những người bị ngưng thở khi ngủ ngừng thở trong 10-30 giây tại một thời điểm khi đang ngủ. Những khoảng ngừng ngắn này có thể xảy ra tới 400 lần mỗi đêm. Nếu ông/bà bị ngưng thở khi ngủ, thời gian không thở có thể làm phiền giấc ngủ của ông/bà (ngay cả khi chúng không đánh thức ông/bà hoàn toàn).
  • Có 3 dạng ngưng thở khi ngủ:
    • Tắc nghẽn: ở dạng này, đường thở của ông/bà đóng hẹp lại dẫn đến tình trạng hạn chế đường thở.
    • Không tắc nghẽn: ở dạng này, não bộ của ông/bà không truyền tín hiệu đến cơ hô hấp dẫn đến bất thường về kiểm soát chu kì thở.
    • Hỗn hợp.

NGƯNG THỞ KHI NGỦ CÓ HAY GẶP KHÔNG? (DỊCH TỄ HỌC)

  • Ước tính rằng hơn 12 triệu người Mỹ bị ngưng thở khi ngủ.
  • Khoảng 25% dân số trưởng thành có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ.

ĐIỀU GÌ KHIẾN TÔI DỄ BỊ TÌNH TRẠNG NÀY? (YẾU TỐ NGUY CƠ)

  • Tuổi cao: tình trạng này xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp nhất ở người trên 40 tuổi.
  • Giới tính: thường gặp ở nam giới hoặc phụ nữ mãn kinh.
  • Thừa cân-béo phì.
  • Thuốc ngủ.
  • Rượu bia.
  • Bệnh lý khác (viêm họng, …).

TRIỆU CHỨNG NÀO GỢI Ý TÔI CÓ TÌNH TRẠNG NÀY? (TRIỆU CHỨNG HỌC)

  • Ông/bà thường sẽ không nhận ra tình trạng này khi đang ngủ, tuy nhiên thỉnh thoảng sẽ thức giấc đột ngột hoặc phải ngồi dậy thở gấp. Người thân ông/bà ngủ chung có thể nghe tiếng ngáy to.
  • Ngoài ra ông/bà có thể gặp:
    • Ngủ gà, đau đầu, khô miệng, hoặc đau họng buổi sáng.
    • Tiểu đêm.
    • Giảm minh mẫn.
    • Thiếu năng lượng.
    • Khó thở.
    • Hồi hộp, đánh trống ngực.
    • Bệnh tăng huyết áp khó kiểm soát.
  • Một số người có thể không có triệu chứng hoặc nghĩ ngáy là do làm việc căng thẳng hoặc đang ngủ ngon.

QUY TRÌNH KHÁM NHƯ THẾ NÀO? (LÂM SÀNG + CẬN LÂM SÀNG)

  • Nếu bác sĩ nghi ngờ có tình trạng này, ông/bà sẽ được đề nghị ghi nhận giấc ngủ, nghiệm pháp này tốt nhất được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám. Quy trình gồm ông/bà sẽ ngủ tại đó một đêm và được gắn các thiết bị theo dõi nhịp tim, nhịp thở, kèm các chức năng sinh học khác trong quá trình (tư thế ngủ, cử động tay/chân, …). Bác sĩ sẽ đánh giá kết quả của ông/bà.
  • Trong trường hợp khó khăn nhập viện, ông/bà sẽ được đề nghị tự theo dõi nhịp thở, SpO2, tư thế ngủ, và nhịp tim bằng thiết bị riêng. Tuy nhiên, không khuyến cáo phương thức này do độ chính xác không cao.

TÌNH TRẠNG NÀY ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO? (ĐIỀU TRỊ)

Mục tiêu điều trị là giúp đường thở thông thoáng trong lúc ngủ. Điều trị hiệu quả sẽ làm giảm triệu chứng, than phiền, và từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của ông/bà đáng kể. Phần lớn trị liệu sẽ thực hiện trong lúc ngủ do đó cần sự hợp tác tối đa của ông/bà.

 1. THAY ĐỔI LỐI SỐNG

  • Tránh nằm ngửa khi ngủ.
  • Giảm cân.
  • Tránh rượu bia.
  • Tránh thuốc ngủ tự mua.

 2. CAN THIỆP NỘI-NGOẠI KHOA

  • Điều trị đầu tiên là tối ưu nội khoa bệnh nền của ông/bà.
  • Liệu pháp điều trị hiệu quả nhất là dùng 1 thiết bị giữ đường thở của ông/bà mở trong khi ngủ, gọi là máy thở áp lực dương liên tục hay CPAP. Trong đêm ngủ ông/bà sẽ mang 1 mặt nạ thở kín kết nối ống dẫn với 1 máy bơm áp lực, mặt nạ này yêu cầu gắn khít vào mũi hoặc che phủ cả mũi-miệng một cách thoải mái nhất. Thiết bị này đòi hỏi tính nhẫn nại do ông/bà sẽ chưa quen trong thời gian đầu, tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều cảm thấy hài lòng và cải thiện triệu chứng sau một thời gian sử dụng. Thiết bị này cần được thiết lập trong bệnh viện để điều chỉnh mức áp lực tối ưu nhất, một số máy hiện đại có khả năng tự điều chỉnh. Ông/bà cần báo lại cho bác sĩ của mình các bất thường như nghẹt mũi, khó chịu, …
  • Trong trường hợp không đáp ứng điều trị thường quy, ông/bà sẽ được khuyên phẫu thuật chỉnh sửa cấu trúc đường thở-xương hàm hay cắt bớt mô dư thừa vùng hầu-họng. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải luôn luôn thành công và triệu chứng có thể quay lại sau đó.
  • Trường hợp xấu nhất khi mọi trị liệu thất bại, ông/bà có thể được đề nghị khai mở khí quản ra da. Tuy nhiên, phương pháp này gây rất nhiều biến chứng.

TÌNH TRẠNG NÀY CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA TÔI KHÔNG? (BIẾN CHỨNG)

  • Trên thực tế, ngưng thở khi ngủ có thể đã ảnh hưởng đến ông/bà nhiều hơn ông/bà biết. Mọi thứ sẽ cải thiện khi chẩn đoán được thực hiện và bắt đầu điều trị cho ông/bà.
  • Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống kèm giấc ngủ, sự tỉnh táo, và hiệu quả làm việc cũng như lái xe cơ giới một cách an toàn.
  • Nghiên cứu cũng chỉ ra ngưng thở khi ngủ dẫn đến các bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch nếu không điều trị.

Reference

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.