Dị Vật Đường Thở

Home / Y hoc thuong thuc / Dị Vật Đường Thở

DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ

Tác giả: Khoa cấp cứu

Dị vật đường thở là gì?

– Dị vật đường thở là những chất vô cơ, hữu cơ mắc vào đường thở.

– Cấp cứu dị vật đường thở là cấp cứu số 1 của tai mũi họng , dị vật đường thở có thể di chuyển từ vùng hầu họng xuống đến khí quản – phế quản gây ra những biến chứng tử vong do ngạt thở hay nhiễm trùng phế quản- phổi nếu không được phát hiện và điều trị đúng kip thời.

– Thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, nhiều nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi vì phản xạ bảo vệ đường thở của trẻ em chưa hoàn chỉnh.

Khi nào có thể gặp dị vật đường thở?

– Trẻ có thói quen ngậm đồ vật vào mồm hoặc cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc.

– Dị vật rơi vào đường thở trong thì hít vào mạnh  đột ngột sau cơn cười khóc, sợ hãi.

– Do phản xạ đường thở của trẻ chưa hoàn chỉnh, thức ăn đi lạc vào đường thở đặc biệt là trẻ ăn bột.

– Do tai biến phẫu thuật (lấy dị vật mũi, nạo VA, cắt Amidan, nhổ răng).

Những triệu chứng của dị vật đường thở là gì?

  • Hội chứng xâm nhập

– Hội chứng xâm nhập là kết quả 2 phản xạ co thắt thanh quản và phản xạ ho.

– Trẻ đang ngậm đồ vật hoặc ăn những thức ăn dễ hóc đột ngột xuất hiện:

+ Ho sặc sụa

+ Khó thở dữ dội

+ Tím tái mặt mũi như sắp chết ngạt

* Sau hội chứng xâm nhập: 

– Người bệnh có thể chết do bị tắc đường thở.

– Người bệnh có thể trở lại bình thường sau 10-15 phút.

– Người bệnh vẫn bị dị vật mắc lại ở thanh quản,…

  • Dị vật thanh quản: Thường là dị vật sắc nhọn.

– Sau hội chứng xâm nhập xuất hiện:

+ Khó thở thanh quản: Nhịp thở chậm, khó thở thì thở vào, có tiếng rít thanh quản, co lõm các cơ hô hấp.

+ Khàn tiếng hoặc mất tiếng ( đối với trẻ nhỏ phải dựa vào tiếng khóc).

+ Ho ông ổng.

  • Dị vật khí quản: Thường là những dị vật tròn nhẵn.

– Sau hội chứng xâm nhập xuất hiện:

+ Khó thở từng cơn.

+ Nghe có dấu hiệu phất cờ bay.

  • Dị vật phế quản: dị vật nhỏ như mảnh lạc (đậu phộng)…

– Sau hội chứng xâm nhập các triệu chứng tạm thời dịu vài ngày sau trẻ mới sốt, thở ậm ạch, ho sặc sụa, tím tái tái diễn nhiều lần, khó thở cả 2 thì, nghe phổi rì rào phế nang giảm một bên.

Làm sao để chẩn đoán?

– Chụp phổi có thể thấy dị vật cản quang, có thể xẹp 1 bên hoặc hai bên phổi tùy ý.

– Nội soi khí- phế quản, vừa để xác định chẩn đoán, vừa để điều trị.

Những biến chứng của dị vật đường thở có thể gây ra là gì?

– Viêm phế quản.

– Xẹp phổi.

– Viêm phế quản – phổi hay gặp ở trẻ nhỏ.

– Áp xe phổi.

 Làm cách nào để điều trị dị vật đường thở?

– Khai thông đường thở: Móc hết chất nôn, đờm giải, dị vật trong mồm, họng, làm nghiệm pháp Heimlich (nằm, ngồi đứng) nếu mắc phải dị vật lớn vào đường thở.

+ Nếu người bệnh bất tỉnh: Đặt người bệnh ở tư thế nằm, người cấp cứu quỳ bên người bệnh đặt bàn tay lên bụng người bệnh giữa rốn và xương ức bàn tay kia đặt trên bàn tay này làm động tác đẩy mạnh và nhanh lên phía trên làm đi làm lại 10 lần.

+ Nếu người bệnh tỉnh: Để người bệnh ở tư thế đứng hoặc ngồi, người làm thủ thuật đứng sau người bệnh, vòng hai tay ra phía trước áp vào vùng thượng vị của người bệnh, ép mạnh từng nhịp, tạo áp lực đột ngột dồn từ từ dưới cơ hoành tống dị vật ra.

+ Đối với trẻ nhỏ: Cho trẻ cúi về phía trước vỗ mạnh lưng trẻ đột ngột vài lần. Làm đi làm lại 10 lần.

– Soi gắp dị vật.

– Dùng kháng sinh chống viêm, chống phù nề, giảm xuất tiết.

 Làm cách nào để phòng ngừa dị vật đường thở?

– Tuyên truyền rộng rãi cho mọi người đặc biệt là các bà, các mẹ và cô giáo dạy trẻ cách phòng ngừa dị vật đường thở.

+ Không cho trẻ ngậm đồ vật vào mồm hoặc ăn thức ăn dễ hóc.

+ Trẻ dưới 4 tuổi không được uống thuốc viên.

+ Không bịt mũi khi cho trẻ ăn để trẻ nuốt.

+ Người lớn bỏ thói quen ngậm dụng cụ, cười đùa khi ăn, nói chuyện.

– Phát hiện sớm hoặc nghi ngờ dị vật đường thở, phải gửi ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không được chữa mẹo theo cách dân gian.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.