Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Home / Sống khỏe / Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Bs Huỳnh Thanh Kiều

Đột quỵ là gì?

  • Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu trong não bị tắc nghẽn (gọi là nhồi máu não) hoặc bị vỡ (gọi là xuất huyết não). Nhồi máu não chiếm đa số, 75% – 85% trường hợp đột quỵ nói chung. Nguyên nhân nhồi máu não do mạch máu não bị tắc nghẽn bởi mảng xơ vữa hoặc huyết khối tại chỗ hay từ nơi khác di chuyển đến.
  • Hậu quả của đột quỵ là người bệnh có thể tử vong hoặc để lại di chứng tàn phế về sau như không đi đứng được, không nhai nuốt được, không nói được hoặc sống thực vật.

Những ai có nguy cơ cao bị đột quỵ?

  • Tất cả những người cao tuổi, người có bệnh xơ vữa động mạch (nhồi máu cơ tim trước đó, bệnh động mạch vành mạn, bệnh động mạch ngoại biên), những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, gia đình có người bị đột quỵ hay nhồi máu cơ tim sớm.

Các dấu hiệu gợi ý đột quỵ?

  • Theo hội Đột quỵ Hoa Kỳ, các dấu hiệu được viết tắt bằng những ký tự sau cho dễ nhớ: F. A. S. T (Face dropping, Arm weakness, Speech and Time to call emergency number)
    • Mặt (Face): bị méo xệch hoặc tê liệt một nửa bên mặt. Khám: yêu cầu người bệnh cười.
    • Tay (Arm): yếu hoặc tê cứng một bên tay hoặc chân. Khám: yêu cầu người bệnh nâng 2 tay hoặc 2 chân lên cùng lúc, tay hoặc chân bên liệt sẽ bị rơi xuống.
    • Giọng nói (Speech): nói ngọng, nói lắp hoặc không nói được, hoặc khó khăn để hiểu được một câu nói. Khám: yêu cầu người bệnh lặp lại những câu đơn giản, xem có lặp lại đúng không.
  • Nếu một người có bất kỳ một trong những dấu hiệu nào ở trên thì gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
  • Ngoài ra còn có một số dấu hiệu khác như: thay đổi tri giác (lừ đừ, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê), tê cứng nửa người, mất thị lực, sụp mi, chóng mặt, nhức đầu dữ dội, đi đứng mất thăng bằng,..

Tại sao cần phát hiện và điều trị sớm đột quỵ?

  • Điều trị sớm đột quỵ có thể cứu được mạng sống và giảm thiểu tối đa di chứng sau đột quỵ. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm nhồi máu não trong vòng 3 giờ đầu (tối đa có thể 4.5 giờ) sẽ được điều trị chuyên biệt bằng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục huyết khối gây nghẽn mạch (Alteplase). Trong thời gian vàng này nếu tế bào não được cứu sống kịp thời sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng và ít để  lại di chứng.
  • Hiện nay, ở thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều bệnh viện điều trị đột quỵ bằng phương pháp mới này. Do đó, khi phát hiện hay nghi ngờ có người bị đột quỵ hãy gọi ngay số cấp cứu 115 để được đưa đến bệnh viện chuyên khoa sớm nhất.

Cơn thoáng thiếu máu não là gì?

  • Cơn thoáng thiếu máu não xảy ra khi não bị giảm tưới máu gián đoạn trong một thời gian ngắn. Thường bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu giống nhồi máu não nhưng nhẹ, thoáng qua hoặc hồi phục trong vòng 24 giờ.
  • Cơn thoáng thiếu máu não không gây tổn thương vĩnh viễn tế bào não nhưng là một dấu hiệu cảnh báo rất nguy hiểm là cơn đột quỵ thật sự sắp xảy ra và không được coi thường bỏ qua vì thấy các triệu chứng hồi phục nhanh chóng.
  • Khi xảy ra cơn thoáng thiếu máu não, người bệnh phải đến bệnh viện chuyên khoa khám lại ngay để được điều trị thích hợp.

Làm gì để phòng ngừa đột quỵ?

  • Thay đổi lối sống: tập thể dục mỗi ngày, giảm cân nếu dư cân, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, ăn nhiều trái cây, rau củ quả. Hạn chế các thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, đồ ăn đóng hộp và thịt đỏ (thịt bò, thịt heo,..).
  • Điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ tim mạch: kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu và các bệnh nội khoa khác đi kèm.
  • Dùng thuốc phòng ngừa tái phát như thuốc chống kết tập tiểu cầu aspirin hay clopidogrel (nhồi máu não do xơ vữa động mạch) hoặc thuốc kháng đông (nhồi máu não do huyết khối thuyên tắc). Chọn lựa loại thuốc nào là phải theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý uống hoặc ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Những điều chưa biết về đột quỵ

Hiểu lầm Sự thật
Đột quỵ không thể phòng ngừa được Hơn 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được
Không có cách nào điều trị đột quỵ Khi có dấu hiệu gợi ý đột quỵ, gọi ngay 115 đến bệnh viện sớm nhất trong 3 giờ vàng để được điều trị với thuốc tan cục máu đông
Đột quỵ chỉ xảy ra ở người già Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhất là ở người có yếu tố nguy cơ.
Đột quỵ không di truyền Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ của bản thân
Nếu các triệu chứng của đột quỵ biến mất thì không cần đến khám bác sĩ Triệu chứng của đột quỵ nhanh chóng biến mất được gọi là cơn thoáng thiếu máu não. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm sắp có cơn đột quỵ thật sự xảy ra, cần phải đến bệnh viện chuyên khoa khám ngay và điều trị tích cực.

Tài liệu tham khảo: