Chức năng thận và biến cố ở bệnh nhân RN

Home / Tin tức - Rối loạn nhịp / Chức năng thận và biến cố ở bệnh nhân RN

Điểm Báo CardioSource

Tựa đề: Chức năng thận và biến cố ở bệnh nhân điều trị kháng đông vì Rung nhĩ không do bệnh van tim: Thử nghiệm AMADEUS
Ngày: 
26/8/ 2013
Tác giả: Prashant Vaishnava, M.D.
Trích từ: 
Apostolakis S, Guo Y, Lane DA, Biller H, Lip GY. Eur Heart J 2013;Aug 21

Câu hỏi nghiên cứu:

Chức năng thận ảnh hưởng như thế nào đến thuyên tắc mạch hệ thống và xuất huyết ở bệnh nhân rung nhĩ (AF) điều trị kháng đông và giá trị tiên đoán của bệnh thận mạn mức độ trung bình đến nặng khi thêm vào thang điểm CHADS2 và CHA2DS2VASc?

Phương pháp:

Đây là phân tích hồi cứu của thử nghiệm AMADEUS, một thử nghiệm đa trung tâm, nhãn mở, không thua kém so sánh idraparinux liều cố định với thuốc kháng vitamin K chỉnh liều ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim có ghi nhận điện tâm đồ. Biến cố về hiệu quả chính là kết hợp đột quị và thuyên tắc mạch hệ thống; chảy máu nặng là biến cố về an toàn chính. Sự phân biệt được đánh giá bởi phân tích đường cong ROC.

Kết quả:

Những bệnh nhân có độ thanh thải creatinine (CrCl) >90 ml/min có tỉ lệ đột quị/thuyên tắc mạch hệ thống hằng năm là 0.6% so với 0.8% ở những bệnh nhân có CrCl 60-90 ml/min và 2.2% cho những bệnh nhân có CrCl <60 ml/min (p < 0.0001). Trong phân tích có hiệu chỉnh, những bệnh nhân có CrCl <60 ml/min có nguy cơ đột quị/thuyên tắc mạch hệ thống cao gấp 2 lần và nguy cơ chảy máu nặng tăng 60% so với những người có CrCl ≥60 ml/min. Khi tiêu chuẩn CrCL <60 ml/min được thêm vào thang điểm CHADS2 hoặc CHA2DS2VASc, không có sự cải thiện khả năng phân biệt (dựa trên chỉ số c).

Kết luận:

Ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim có điều trị kháng đông (Idraparinux và Warfarin), những người có CrCl <60 ml/min có nguy cơ đột quị và thuyên tắc mạch hệ thống cao gấp 2 lần cùng với tăng 60% nguy cơ chảy máu nặng so với những người có CrCl ≥60 ml/min.

Bàn luận:

Bỏ qua những hạn chế của phân tích hồi cứu, kết quả của nghiên cứu này gợi ý cần phải chăm sóc tích cực hơn để ngăn ngừa thuyên tắc hệ thống ở bệnh nhân rung nhĩ có bệnh thận mạn. Nghiên cứu này cũng cho thấy tăng nguy cơ chảy máu ở nhóm bệnh nhân này. Khi thêm tiêu chuẩn bệnh thận mạn vào thang điểm CHADS2 và CHA2DS2VASc không làm cải thiện khả năng phân biệt của các thang điểm; điều này có thể do sự trùng lặp các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân bệnh thận mạn và các tiêu chuẩn của những thang điểm này. Các nghiên cứu trong tương lai có thể giúp mô tả vai trò của thang điểm nguy cơ hiệu chỉnh theo chức năng thận ở bệnh nhân không được điều trị kháng đông, như gợi ý của các tác giả nghiên cứu.