Bệnh tim mạch và thai kỳ
Bs Huỳnh Thanh Kiều
Khi mang thai hệ tim mạch có những thay đổi như thế nào?
- Khi mang thai thể tích máu và cung lượng tim tăng 40 – 50%, tăng tối đa ở tuần 32. Huyết áp giảm khoảng 10 mmHg trong thai kỳ do lượng máu đi trực tiếp đến tử cung. Trong hầu hết các trường hợp sự thay đổi huyết áp này không gây ra triệu chứng và không cần điều trị. Nhịp tim của bệnh nhân cũng tăng 10 – 15 lần/phút khi có thai.
- Ngoài ra thai phụ còn có tình trạng tăng đông làm tăng nguy cơ huyết khối thuyên tắc.
- Những thay đổi này có thể làm cho thai phụ thấy mệt, nhất là những tháng cuối thai kỳ. Bệnh nhân có thể thấy khó thở do bụng to, đẩy cơ hoành lên cao, tim đập nhanh, phù chân. Những triệu chứng này rất giống với triệu chứng của bệnh tim mạch. Khi có những triệu chứng này, người bệnh nên khám kiểm tra tim mạch để tránh bỏ sót bệnh tim mạch đi kèm hoặc nặng lên trong thai kỳ.
Những ai nên khám tư vấn bác sĩ tim mạch trước khi mang thai?
- Những người có triệu chứng gợi ý bệnh tim mạch như mệt, đau ngực, khó thở, hồi hộp tim đập nhanh,…
- Có tiền sử bệnh tim bẩm sinh lúc nhỏ đã được điều trị phẫu thuật hoặc chưa.
- Bệnh van tim đang điều trị hoặc đã thay van tim nhân tạo
- Bệnh lý cơ tim như bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim dãn nở, bệnh cơ tim hạn chế, bệnh cơ tim chu sinh,…
- Tăng huyết áp
- Rối loạn nhịp tim đã hoặc đang điều trị
- Tiền sử nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành
- Tiền sử huyết khối tĩnh mạch thuyên tắc, thuyên tắc phổi
- Bệnh động mạch chủ: phình dãn hay bóc tách ĐMC, hội chứng Marfan,…
- Suy tim (trong tiền sử hoặc hiện tại)
Phụ nữ có bệnh tim mạch cần làm gì trước khi chuẩn bị có thai và trong lúc mang thai?
- Khám tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa sản ở bệnh viện tuyến trên trước khi mang thai: tư vấn về nguy cơ cho mẹ và con, cách theo dõi, chọn nơi sanh, theo dõi sau sanh và thay đổi thuốc phù hợp trong thai kỳ.
- Tư vấn với chuyên gia về di truyền, làm các xét nghiệm di truyền nếu mẹ có bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh tim có nguy cơ di truyền cho con.
- Siêu âm tim, điện tâm đồ, hoặc trắc nghiệm gắng sức trước khi mang thai (nếu cần)
- Đo độ mờ da gáy khi thai 11-12 tuần
- Siêu âm tim thai khi thai 19 – 22 tuần (xác định được 45% trường hợp tim bẩm sinh trong bào thai)
- Siêu âm tim mẹ khi mang thai được 5 và 7 tháng để dự trù can thiệp tim mạch (nếu cần) trước sanh và chuẩn bị nơi sinh.
Phụ nữ mắc bệnh tim mạch khi mang thai có nguy cơ gì?
- Nguy cơ cho mẹ:
- Tăng nguy cơ huyết khối, kẹt van tim cơ học
- Chức năng tim xấu nhanh hơn, suy tim tăng lên
- Dễ bị rối loạn nhịp
- Tăng huyết áp thai kỳ gây tiền sản giật, sản giật có thể tử vong
- Cơn tăng áp động mạch phổi
- Đột tử
- Nguy cơ cho con:
- Sẩy thai, thai lưu
- Sanh non
- Suy dinh dưỡng bào thai
- Xuất huyết
- Dị tật bẩm sinh
Chuẩn bị bệnh nhân trước và trong cuộc sanh như thế nào?
- Trong tháng cuối thai kỳ khám thai mỗi tuần.
- Khi thai 36 tuần, khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để cho ý kiến về cuộc sanh: sanh thường hay sanh mổ, khi nào cần nhập viện.
- Trong lúc chuyển dạ, nếu tình trạng tim mạch nguy cơ cao hoặc không ổn định, cần phối hợp bác sĩ sản, bác sĩ tim mạch, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ nhi khoa để điều trị cho mẹ và chăm sóc cho em bé ngay khi ra đời.
Tài liệu tham khảo:
- Regitz-Zagrosek V, et al. 2018 ESC Guidelines for the management of cardiovascular diseases during pregnancy. European Heart Journal (2018) 00, 1–83. Doi:10.1093/eurheartj/ehy340
- Pregnancy and Heart Disease. Website: https://my.clevelandclinic.org