Bệnh Cơ Tim Dãn Nở

Home / Bệnh học / Bệnh Cơ Tim Dãn Nở

BỆNH CƠ TIM DÃN NỞ

BS Trần Vũ Minh Thư 

Bệnh cơ tim dãn nở (BCTDN) là gì?

BCTDN là bệnh lý của cơ tim, trong đó thất trái căng và mỏng (dãn). Tim có dạng hình cầu thay vì hình nón như bình thường. Thành thất mỏng hơn và bị yếu nên không thể co như tim bình thường. Điều này làm các nhát bóp của tim kém hiệu quả và gây ra tình trạng suy tim. Trong BCTDN, thất phải có thể bị ảnh hưởng.

 

Triệu chứng của BCTDN là gì?

Ban đầu, BCTDN thường không gây triệu chứng. Khi bệnh diễn tiến, các triệu chứng có thể xuất hiện như sau:

 Khó thở khi gắng sức, khi nằm.

 Phù chân

 Mệt mỏi

 Hồi hộp

 Đau ngực

Nguyên nhân của BCTDN là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây BCTDN

 Di truyền

Khoảng 30% BCTDN có nguyên nhân di truyền do bất thường gene. Hiện nay, có khoảng 100 gene liên quan đến BCTDN. Bất thường gene có thể được kích hoạt bởi tình trạng nhiễm siêu vi hay mang thai. Ngoài ra, vài bệnh lý di truyền như loạn dưỡng cơ Duchenne có thể gây BCTDN.

Khi BCTDN có nguyên nhân di truyền, bệnh này di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Điều này có nghĩa là cha hoặc mẹ bị bệnh có 50% cơ hội di truyền gene đột biến cho con cái. Khi phát hiện người bệnh mang đột biến gene, tầm soát di truyền nên được thực hiện ở những người thân trực hệ hàng thứ nhất của họ. Việc tầm soát lâm sàng cho người thân của người BCTDN bao gồm khám lâm sàng, đo điện tâm đồ, siêu âm tim.

 Nguyên nhân khác

– Bệnh tự miễn – lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp

– Nhiễm siêu vi

– Độc chất – rượu, hóa trị liệu

– Thai kỳ

Biến chứng của BCTDN là gì?

BCTDN có thể đưa đến biến chứng:

Suy tim

Nghẽn dẫn truyền trong tim

Đột tử

Làm thế nào để chẩn đoán BCTDN?

Có nhiều phương tiện giúp chẩn đoán BCTDN

 Bệnh sử –  khai thác các triệu chứng và những người thân trong cùng gia đình có cùng triệu chứng như bệnh nhân (có thể di truyền).

 Khám lâm sàng – phát hiện triệu chứng thực thể .

 Xquang ngực – có thể phát hiện dịch trong phổi, quan sát được hình dạng tim, kích thước tim và các mạch máu lớn.

 Điện tâm đồ – quan sát được hoạt động điện của tim và rối loạn nhịp tim

 Điện tâm đồ liên tục – giúp phát hiện rối loạn nhịp.

 Siêu âm tim – quan sát cấu trúc tim

 Cộng hưởng từ tim – cho hình ảnh chất lượng cao, quan sát rõ cấu trúc tim và các phần sợi hóa.

 Điện sinh lý tim – giúp phát hiện vị trí gây loạn nhịp trong tim.

 Chụp động mạch vành – phát hiện tình trạng động mạch vành có tắc nghẽn không?

BCTDN được điều trị như thế nào?

Điều trị BCTDN nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và giảm biến chứng. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra BCTDN và mức độ nặng của bệnh.

Thuốc

 Lợi tiểu – giảm ứ dịch ở phổi và chân.

 Ức chế men chuyển – làm dãn cơ trơn mạch máu, làm giảm tải cho tim, giảm thể tích máu, làm cho tim làm việc dễ dàng hơn.

 Ức chế beta – giảm nhịp tim và sức co bóp của cơ tim.

 Thuốc chống loạn nhịp – giảm nhịp bất thường và giúp kiểm soát nhịp bình thường.

 Ức chế thụ thể Angiotensin II – làm dãn mạch máu, làm giảm huyết áp, có thể dùng nếu bệnh nhân không dung nạp được thuốc ức chế men chuyển.

 Ivabradine – giúp làm chậm nhịp tim.

 Sacubitril và valsartan – có thể dùng trong suy tim nặng khi đã dùng thuốc ức chế men chuyển và ức chế beta mà không hiệu quả.

 Dụng cụ

 Máy tạo nhịp – phát ra những xung động điện để giữ nhịp tim bình thường. Máy tạo nhịp được chỉ định trong một số trường hợp loạn nhịp tim.

 Máy tạo nhịp hai buồng – được dùng trong tái đồng bộ tim. Máy phát xung động điện đến cả tim phải và tim trái làm cho chúng hoạt động đồng bộ với nhau.

 Máy phá rung cấy được – dụng cụ này giúp phát hiện và điều trị rối loạn nhịp nguy hiểm có thể dẫn đến ngừng tim.

 Phẫu thuật

Khi thuốc và dụng cụ không giúp kiểm soát hoàn toàn triệu chứng, phẫu thuật có thể được xem xét.

 Dụng cụ hỗ trợ thất trái – dụng cụ này hỗ trợ tim bơm máu ra khỏi thất trái. Dụng cụ này hỗ trợ tim trong khi chờ ghép tim.

 Ghép tim – Một số bệnh nhân có chỉ định ghép tim khi tim họ không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

 Thay đổi lối sống

Ngoài việc dùng thuốc và dụng cụ, thay đổi lối sống có thể giúp làm nhẹ triệu chứng của BCTDN.

 Giảm rượu – rượu có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Tốt nhất là nên ngưng rượu hoàn toàn.

 Chế độ ăn khỏe mạnh – một chế độ ăn cân bằng có thể giúp cơ thể có cân nặng hợp lý, giúp tim hoạt động tốt.

 Giảm mặn – giảm mặn có thể giúp giảm giữ nước và huyết áp, giúp cải thiện chức năng tim. Bác sĩ của bạn sẽ hướng dẫn mức độ hạn chế muối.

 Ngưng thuốc lá – ngưng thuốc lá giúp ích cho tim và cho sức khỏe toàn diện.

 Giảm cà phê – một số người nhạy cảm với cà phê, có thể gây hồi hộp.

 Hoạt động thể lựcMức độ hoạt động thể lực nên phù hợp với tình trạng tim của mỗi bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo:

https://www.cardiomyopathy.org/hypertrophic-cardiomyopathy/intro

www.clevelandclinic.org/heart

www.uptodate.com