Để tim khỏe bạn cần biết 5 con số quan trọng này

Để tim khỏe bạn cần biết 5 con số quan trọng này

Việc nắm vững 5 con số quan trọng có thể giúp bạn có cái nhìn chính xác về tình trạng sức khỏe tim mạch hiện tại của mình. Điều này sẽ mang lại động lực liên tục để duy trì các chỉ số tim mạch khỏe mạnh và cải thiện những chỉ số chưa tốt.

Mẹo nhỏ ghi nhớ là bạn xem 05 con số này như quy tắc một bàn tay, đếm tuần tự qua các ngón tay để xem mình có kiểm tra hay chưa.

Lưu ý: “Chúng ta cần nhớ rằng tất cả các chỉ số này đều chỉ là 1 thang đo tham khảo. Việc xác định bạn có huyết áp cao hay thấp không đơn giản như vậy – bác sĩ của bạn mới là người xem xét mức độ cao hay thấp cụ thể như thế nào chính xác nhất.” – bác sĩ tim mạch Michael Blaha từ Bệnh viện Trường Đại học Y Johns Hopkins.

MỘT: số bước chân bạn đi mỗi ngày

Blaha cho biết việc vận động nhiều sẽ cải thiện tất cả các chỉ số sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, ông thường khuyến khích mọi người đi bộ khoảng 10.000 bước mỗi ngày, tương đương gần 8 km. Một quy tắc đơn giản khác là tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần. 

HAI: chỉ số huyết áp của bạn

Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ có thể được phát hiện thông qua việc đo lường. Mức huyết áp lý tưởng là 120/80, trong khi 140/90 là mức bình thường đối với hầu hết mọi người. Các chỉ số huyết áp cao hơn cho thấy các động mạch không phản ứng đúng với áp lực của máu đẩy vào thành động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.

 Một số lưu ý khi đo huyết áp

  • Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
  • Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa hai lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
  • Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà, hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.
  • Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập.
  • Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên, và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.

BA: số cholesterol không HDL của bạn

Chỉ số Cholesterol không HDL phản ánh tổng lượng cholesterol ‘xấu’ trong cơ thể và thường được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là chỉ số cholesterol tổng cộng của bạn trừ đi cholesterol HDL (lipoprotein mật độ cao), là một chỉ số về lượng chất béo trong máu có thể làm hẹp và tắc nghẽn động mạch dẫn đến tim.

Đối với chỉ số Cholesterol không HDL thì chỉ số càng thấp càng tốt: Bạn nên nhắm đến mức dưới 130 mg/dL; nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim, mục tiêu nên là dưới 70–100 mg/dL. Bạn cần đến bệnh viện để xét nghiệm thường kỳ để nắm được chỉ số Cholesterol không HDL của mình và nhận được tư vấn phù hợp của bác sĩ.

BỐN: chỉ số đường huyết của bạn

Đường huyết cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, một tình trạng có thể gây hại nghiêm trọng cho các động mạch. Thực tế, bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 là những yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với các bệnh tim mạch.

Ảnh gia đình
Duy trì vận động, chế độ ăn uống phù hợp tăng cường sức khỏe tim mạch, mang lại cuộc sống hạnh phúc

NĂM: số giờ ngủ mỗi đêm của bạn

Mặc dù không có một con số “đúng” cho tất cả mọi người, việc duy trì thời gian ngủ phù hợp với nhu cầu của bạn sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, theo ông Blaha. Thông thường, hầu hết mọi người cần ngủ từ sáu đến tám giờ mỗi đêm.

Điều chuyên gia sức khỏe khuyến cáo: Hãy chú ý đến các con số “biết nói”

Bác sĩ Seth Martin, chuyên gia tim mạch tại Johns Hopkins, chia sẻ: “Tôi đã sử dụng thiết bị theo dõi sức khỏe trong nhiều năm và nó đã thay đổi thói quen của tôi, vì tôi kiểm tra số liệu hàng ngày.”

Khi mới bắt đầu, Martin thường chỉ đạt khoảng 5.000 bước mỗi ngày. “Điều đó thực sự khiến tôi nhận ra. Có những ngày số bước của tôi chỉ đạt 2.000.” Kể từ khi bắt đầu theo dõi, vào cuối mỗi ngày làm việc, ông gần như luôn đạt hoặc vượt mục tiêu 10.000 bước. Ông tổ chức các cuộc họp đi bộ với đồng nghiệp, tranh thủ đi dạo khi có cơ hội, và tránh dùng thang máy. Nếu không đạt được mục tiêu sau giờ làm, ông tích cực hoàn thành bằng cách tập gym, chơi tennis, đánh golf, hoặc đơn giản là đi dạo ngoài trời. 

“Theo dõi số liệu và hành động ngay lập tức. Nó tạo ra  động lực và thực sự có hiệu quả,” ông khuyến khích.

  • Bài viết được dẫn từ nguồn thông tin HopkinsMedicine.org, theo bác sĩ tim mạch Michael Blaha tại Bệnh viện Trường Đại học Johns Hopkins Medicine

Leave a Reply

Your email address will not be published.