NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP LOẠN NHỊP Ở TRẺ EM!

Tác giả: BS Tôn Nữ Khánh An

               Khoa Điện sinh lý và Loạn nhịp tim BV Tim Tâm Đức

Bệnh nhân nam, 13 tuổi, tiền căn lên nhiều cơn tim đập nhanh, hồi hộp, mệt từ lúc 9 tuổi. Ban đầu bé đã được điều trị tại bệnh viện nhi, các cơn nhịp nhanh vẫn lên gần như liên tục dù đã dùng thuốc nên các bs đã hội chẩn và tiến hành khảo sát điện sinh lý, dự định cắt đốt cơn nhịp nhanh cho bé. Kết quả khảo sát điện sinh lý cho thấy thể nhịp nhanh của bé là nhịp nhanh trên thất do vòng vào lại nhĩ thất (tức là có đường phụ song song với đường chính tạo ra vòng vào lại của cơn nhịp nhanh) trong đó đường phụ nằm khá gần đường chính (chúng tôi gọi đó là đường phụ gần bó His) nên nguy cơ đường chính bị tổn hại khi cắt đốt đường phụ là khá cao. Vì lý do an toàn, bé được ngưng thủ thuật và chuyển sang điều trị bằng các thuốc chống loạn nhịp. Tuy nhiên, dù đã thử dùng các loại đơn trị hoặc phối hợp điều trị với các loại thuốc chống loạn nhịp khác nhau nhưng bé vẫn lên cơn thường xuyên. Với tần suất lên cơn dày, cơn nhịp nhanh khoảng 200 lần/phút làm bé ngày càng mệt và bắt đầu phát triển những triệu chứng suy tim cũng như làm dãn buồng thất trái trên siêu âm. Do vậy bé được chuyển sang bệnh viện Tâm Đức để điều trị tiếp.

Bé nhập bệnh viện Tâm Đức lần 1 là tháng 11/2019 và tiến hành thủ thuật cắt đốt cắt đốt điện sinh lý tim. Trong quá trình thủ thuật, bé cũng lên cơn nhịp nhanh liên tục, phải cắt cơn bằng các thủ thuật tạo nhịp vượt tần số. Sau khi đã khảo sát và xác định lại vị trí của đường phụ cũng như nắm được độ tương quan rất gần giữa đường phụ và đường chính, chúng tôi tiến hành cắt đốt đường phụ này bằng phương pháp dùng năng lượng sóng cao tần (RF- radio frequency) dưới màn huỳnh quang theo phương pháp truyền thống (2D) và bắt đầu với mức năng lượng thấp hơn và thời gian ngắn hơn so với thường quy và thành công chấm dứt cơn nhịp nhanh, sự dẫn truyền qua đường phụ yếu hơn. Tuy nhiên rất nhanh sau đó đường phụ phục hồi lại và cơn nhịp nhanh vẫn dễ dàng khởi phát. Chúng tôi quyết định tiếp tục đốt tiếp tại vùng này cũng với mức năng lượng thấp và trong từng khoảng thời gian ngắn. Dù vậy, sự dẫn truyền qua đường chính bắt đầu có biểu hiện bị ảnh hưởng, chúng tôi quyết định dừng thủ thuật và theo dõi thêm. Sau thủ thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định, được xuất viện và tiếp tục dùng thuốc chống loạn nhịp.

Dù ít lên cơn hơn trước nhưng những cơn nhịp nhanh vẫn còn xuất hiện và ảnh hưởng đến cuộc sống của bé, cũng như tiên lượng lâu dài về bệnh suy tim do loạn nhịp, vào tháng 10/2021, chúng tôi quyết định thực hiện lại việc cắt đốt đường phụ và áp dụng kĩ thuật dựng hình tim trong không gian 3 chiều (gọi tắt là mapping 3D) cho bé. Với sự giúp sức của hệ thống mapping 3D, chúng tôi đã thiết lập cấu trúc không gian 3 chiều của buồng nhĩ phải, xác định các vùng của đường dẫn truyền chính và khảo sát vị trí của đường phụ nằm sát ngay đường chính cũng như sự di chuyển của catheter mà không cần dùng nhiều tia X. Sau khi đã có đầy đủ thông tin, chúng tôi bắt đầu tiếp cận đường phụ ở vị trí xa đường chính nhất có thể nhưng cũng chỉ làm suy yếu nó trong giây lát. Với sự trợ giúp tích cực của 3D trong việc quan sát liên tục sự di động của catheter theo nhịp tim và khi bệnh nhân hít thở nhằm tránh kịp thời sự ảnh hưởng lên đường chính, cũng như đánh dấu các vị trí đốt không an toàn, cuối cùng chúng tôi đã cắt đốt thành công đường phụ này mà không làm ảnh hưởng gì đến đường chính.

Bé khoẻ và xuất viện về nhà sau đó 2 ngày. Hiện tại dù đã qua thời gian thủ thuật 5 tháng và đã ngưng tất cả các thuốc chống loạn nhịp, bé không có tái phát cơn nhịp nhanh cũng như không còn bất kì triệu chứng nào của suy tim, trở lại việc học tập và vui chơi như các bạn đồng lứa.

Hình ghi điện tim bề mặt và điện tim buồng tim trong cơn nhịp nhanh (tần số nhịp nhanh 215 nhịp/phút) được khảo sát trong phòng thủ thuật.

Hình 3D minh họa vị trí các catheter trong buồng tim, vị trí màu xanh minh họa đường dẫn truyền chính, màu hồng là điểm đốt và màu đỏ là vị trí thành công.

 

Kết luận: Việc áp dụng kỹ thuật mapping 3D đã giúp thực hiện thành công việc triệt đốt một cách an toàn các đường dẫn truyền phụ nằm ở vị trí nhiều nguy cơ, đặc biệt ở các trẻ nhỏ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.