Cường giáp
BS Phạm Kim Ngân
Tổng quan về cường giáp
- Cường giáp là thuật ngữ y khoa nói về sự hoạt động quá mức của tuyến giáp. ở bệnh nhân cường giáp, tuyến giáp sản xuất quá nhiều hóc- môn giáp. Khi tình trạng này xảy ra, quá trình chuyển hóa của cơ thể tăng, gây ra nhiều triệu chứng.
Tuyến giáp là gì?
- Tuyến giáp là một tuyến có hình con bướm ở vùng giữa cổ, ở dưới thanh quản và trên xương đòn. Tuyến giáp sản xuất hai hóc môn: T3 và T4, có tác dụng điều hòa việc cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng cường giáp
- Bệnh Grave là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng cường giáp. Ở bệnh nhân bệnh Grave, hệ thống miễn dịch sản xuất ra kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất nhiều hóc môn tuyến giáp. Đây là nguyên nhân phổ biến xảy ra ở phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi nhưng có thể xảy ra ở phụ nữ hoặc nam giới ở bất kì lứa tuổi nào. Sự phì đại của tuyến giáp ( còn gọi là bướu giáp ) và sản xuất nhiều hóc môn giáp gây nên triệu chứng của bệnh cường giáp.
- Một hoặc nhiều nhân giáp có thể sản sinh nhiều hóc môn giáp. Nhân giáp khi đó gọi là nhân độc tuyến giáp hoặc nếu nhiều hơn một, gọi là bướu giáp đa nhân độc tuyến giáp.
- Viêm giáp im lặng hoặc viêm giáp sau sinh là bệnh lý mà khi đó tuyến giáp bị viêm và phóng thích hóc môn giáp vào máu, gây nên triệu chứng cường giáp
- Viêm giáp bán cấp gây ra bởi virus.
- Uống nhiều thuốc chứa hóc môn giáp để chữa suy giáp.
Triệu chứng cường giáp
- Lo lắng, cáu gắt, khó ngủ
- Yếu cơ ( đặc biệt là cánh tay trên, đùi, khó nâng vật nặng hoặc leo thang hoặc đứng dậy sau khi ngồi )
- Rung giật bàn tay
- Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, không chịu được thời tiết nóng
- Hồi hộp, tim đập nhanh
- Mệt mỏi
- Sụt cân mặc dù ăn uống bình thường
- Nhu động ruột tăng
- Ở một số phụ nữ có thể có kinh nguyệt bất thường hoặc vô kinh, có thể đi kèm với vô sinh. Nam giới có thể có phì đại tuyến vú, rối loạn cương dương, có thể cải thiện nếu điều trị cường giáp.
Chẩn đoán cường giáp
- Cường giáp có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu nồng độ hóc môn giáp và hóc môn kích thích tuyến giáp (TSH). Nồng độ hóc môn tuyến giáp sẽ cao và hóc môn TSH sẽ thấp. Siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm máu sẽ gợi ý xác định nguyên nhân gây ra tình trạng cường giáp.
Điều trị cường giáp
- Cường giáp có thể được điều trị bằng thuốc, phóng xạ iode hoặc phẫu thuật. Tùy thuộc vào tuổi, độ nặng và loại bệnh sẽ quyết định phương pháp điều trị.
- Thuốc: hai thuốc chính được sử dụng để điều trị cường giáp là thuốc kháng giáp và ức chế bê-ta
- Iode phóng xạ: Iode phóng xạ phá hủy tuyến giáp, là cách có thể điều trị cường giáp vĩnh viễn.
- Phẫu thuật: mặc dù phẫu thuật cắt tuyến giáp có thể điều trị triệt để cường giáp nhưng nó ít được sử dụng hơn thuốc và iode phóng xạ vì nguy cơ liên quan đến phẫu thuật bao gồm tổn thương thần kinh thanh quản và tuyến cận giáp, dùng để điều hòa cân bằng calci trong cơ thể. Tuy nhiên, phẫu thuật là cần thiết khi:
- Bệnh nhân có bướu giáp lớn chặn đường thở, gây khó thở
- Bệnh nhân không dung nạp thuốc kháng giáp và không muốn sử dụng iode phóng xạ
- Có một nhân giáp nghi ngờ ung thư
- Bệnh nhân có bênh lí mắt do bệnh Grave.
Tài liệu tham khảo:
- Uptodate Patient education: Hyperthyroidism (overactive thyroid) (Beyond the Basics)
- American Thyroid Association: Hyperthyroidism brochure