Bệnh Cơ Tim Không Lèn Chặt

Home / Bệnh học / Bệnh Cơ Tim Không Lèn Chặt

BỆNH CƠ TIM KHÔNG LÈN CHẶT

BS Trần Vũ Minh Thư 

Bệnh cơ tim không lèn chặt (BCTKLC) là gì?

BCTKLC là bệnh lý cơ tim trong đó thành thất trái có đặc tính xốp hơi giống cấu trúc tổ ong, để lộ kênh trong cơ tim gọi là bè cơ. Tình trạng này thường xảy ra ở thất trái, một số trường hợp có thể hiện diện ở thất phải.

 

Nguyên nhân của BCTKLC là gì?

Bệnh lý này thường do di truyền. Khi bệnh lý này có nguyên nhân di truyền, bệnh có thể truyền qua các thế hệ trong gia đình người bệnh. Vì vậy, tầm soát bệnh ở người thân trực hệ hàng thứ nhất của bệnh nhân (cha mẹ, anh chị em, con cái) là cần thiết.

Triệu chứng của BCTKLC là gì?

Nhiều bệnh nhân BCTKLC không có triệu chứng. Triệu chứng biểu hiện tùy vào mức độ lan rộng và vị trí của vùng cơ tim không lèn chặt. Bệnh nhân có triệu chứng khi vùng cơ tim không lèn chặt lan rộng làm suy giảm chức năng bơm máu của tin hoặc khi các bè cơ ảnh hưởng đến các tính hiệu điện bình thường của tim.

Các triệu chứng của BCTKLC bao gồm:

 Khó thở

 Mệt mỏi

 Choáng váng

 Ngất

 Hồi hộp

 Phù chân

BCTKLC được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán BCTKLC dựa vào các phương tiện sau:

 Bệnh sử và tiền căn gia đình – khai thác các triệu chứng và những người thân trong cùng gia đình có cùng triệu chứng như bệnh nhân (có thể di truyền).

 Khám lâm sàng – phát hiện triệu chứng thực thể.

 Xquang ngực – có thể phát hiện dịch trong phổi, quan sát được hình dạng tim, kích thước tim và các mạch máu lớn.

 Điện tâm đồ – quan sát được hoạt động điện của tim và rối loạn nhịp tim

 Siêu âm tim – quan sát cấu trúc tim

 Cộng hưởng từ tim – cho hình ảnh chất lượng cao, quan sát rõ cấu trúc tim, bè cơ.

BCTKLC có thể được chẩn đoán bằng cách so sánh vùng cơ tim không lèn chặt và vùng cơ tim lèn chặt, và số lượng bè cơ.

BCTKLC được điều trị như thế nào?

Mặc dù BCTKLC không thể chữa lành, nhưng việc điều trị có thể làm giảm triệu chứng do suy tim và rối loạn nhịp tim.

 Thuốc kháng đông – làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong các bè cơ có thể đưa đến đột quỵ. Cục máu đông có thể hình thành do rung nhĩ.

  Điều trị suy tim

 Lợi tiểu – giảm ứ dịch ở phổi và chân.

 Ức chế men chuyển – làm dãn cơ trơn mạch máu, làm giảm tải cho tim, giảm thể tích máu, làm cho tim làm việc dễ dàng hơn.

 Ức chế thụ thể Angiotensin II – làm dãn mạch máu, làm giảm huyết áp, có thể dùng nếu bệnh nhân không dung nạp được thuốc ức chế men chuyển.

 Ức chế beta – giảm nhịp tim và sức co bóp của cơ tim.

 Máy phá rung cấy được – dụng cụ này giúp phát hiện và điều trị rối loạn nhịp nguy hiểm có thể dẫn đến ngừng tim.

 Máy tạo nhịp – phát ra những xung động điện để giữ nhịp tim bình thường. Máy tạo nhịp được chỉ định trong một số trường hợp loạn nhịp tim.

 Bệnh nhân không triệu chứng, không cần điều trị.

Tài liệu tham khảo:

https://www.cardiomyopathy.org/hypertrophic-cardiomyopathy/intro

www.clevelandclinic.org/heart

www.uptodate.com