Ảnh hưởng của thay van ĐMP

Home / Tin tức - Tim bẩm sinh / Ảnh hưởng của thay van ĐMP

Điểm báo CardioSource (Timothy B. Cotts, M.D., F.A.C.C.)

Tựa đề: Thay Van Động Mạch Phổi Sau Phẫu Thuật Sữa Chữa Tứ Chứng Fallot: Phân Tích Tổng Hợp Và Hồi Qui Tổng Hợp của 3118 Bệnh Nhân từ 48 Nghiên Cứu
Ngày đăng: 
October 9, 2013
Tác giả: Cavalcanti PE, Sá MP, Santos CA, và cs.
Nguồn: 
J Am Coll Cardiol 2013;Oct 9.

Câu hỏi nghiên cứu:

Tác động của thay van động mạch phổi là như thế nào trên kích thước, chức năng hai thất, độ rộng QRS và tình trạng chức năng ở bệnh nhân phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot ?

Phương pháp nghiên cứu:

Một phân tích tổng hợp, phân tích độ nhạy và hồi qui tổng hợp được tiến hành phù hợp với các hướng dẫn hiện tại. Các nghiên cứu được đưa vào phân tích nếu có:

  1. Dân số nghiên cứu bao gồm các bệnh nhân phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot có hở van động mạch phổi từ trung bình trở lên;
  2. Các bệnh nhân được giới thiệu đến thay van động mạch phổi;
  3. Các bệnh nhân được đánh giá trước và sau thay van động mạch phổi;
  4. Biến cố theo dõi bao gồm bất cứ điểm nào sau đây: tỉ lệ tử vong 30 ngày và 5 năm, tỉ lệ thay van động mạch phổi lại sau 5 năm, chỉ số thể tích cuối tâm trương thất phải (RV-EDV), chỉ số thể tích cuối tâm thu thất phải (RV-ESV), phân xuất tống máu thất phải (RV-EF), phân xuất tống máu thất phải có hiệu chỉnh (corrected RV-EF), phân xuất hở phổi, chỉ số cuối tâm trương thất trái (LV-EDV), chỉ số cuối tâm thu thất trái (LV-ESV), phân xuất tống máu thất trái (LV-EF), độ rộng QRS, hoặc phân độ chức năng theo NYHA.

Kết quả nghiên cứu:

Bốn mươi tám nghiên cứu bao gồm 3.118 bệnh nhân đáp ứng các yêu cầu tuyển lựa. Tỉ lệ gộp tử vong 30 ngày là 0,87% (47 nghiên cứu; 27/3.100 bệnh nhân), trong khi tỉ lệ gộp tử vong 5 năm là 2,2% (24 nghiên cứu; 49/2.231 bệnh nhân). Phân tích tổng hợp cho thấy giảm có ý nghĩa về RV-EDV và RV-ESV, cũng như độ rộng QRS. Có sự cải thiện về LV-EF. Còn RV-EF cải thiện khi RV-EF trước phẫu thuật được hiệu chỉnh theo hở van động mạch phổi hoặc hở van 3 lá và luồng thông tồn lưu. Không có cải thiện về RV-EF không hiệu chỉnh sau thay van động mạch phổi. Tình trạng chức năng theo NYHA cải thiện sau thay van động mạch phổi. Sự không đồng nhất có ý nghĩa được nhận thấy giữa các nghiên cứu.

Kết luận:

Các tác giả kết luận rằng thay van động mạch phổi có ảnh hưởng tích cực trên tình trạng chức năng và các thông số đo kích thước và chức năng hai thất.

Bàn luận:

Phân tích tổng hợp này nhìn vào kết cục của thay van động mạch phổi ở bệnh nhân sửa chữa tứ chứng Fallot. Sự giảm thể tích thất phải được nhìn thấy ở tất cả các nghiên cứu. Hiệu quả lớn nhất ở các bệnh nhân có buồng thất lớn hơn, mặc dù điều thú vị là các bệnh nhân cải thiện thể tích thất phải nhiều hơn lại cho thấy ít có cải thiện về tình trạng chức năng hơn. Điều này có thể nghiêng về phía tranh cãi cho rằng nên can thiệp trước khi thất phải giãn có ý nghĩa. Các nghiên cứu riêng lẻ cho thấy kết quả trộn lẫn về độ rộng QRS; phân tích tổng hợp này cho thấy một sự giảm chung về độ rộng QRS. Phát hiện chức năng tâm thu thất trái cải thiện sau thay van động mạch phổi là quan trọng và ủng hộ vai trò “phụ thuộc giữa các tâm thất” trong rối loạn chức năng thất trái đôi khi được nhận thấy ở bệnh nhân sửa chữa tứ chứng Fallot. Cuối cùng, điều đáng ghi nhận của nghiên cứu này là liên quan đến chức năng thất phải. Mặc dù không có khác biệt về phân xuất tống máu thất phải tuyệt đối trước và sau thay van động mạch phổi, một sự cải thiện có ý nghĩa được nhận thấy khi RV-EF trước phẫu thuật được hiệu chỉnh theo độ hở phổi và van 3 lá. Sử dụng RV-EF hiệu chỉnh có thể được xem xét khi so sánh kết quả chẩn đoán hình ảnh trước và sau phẫu thuật.

(Link: http://www.cardiosource.org/Science-And-Quality/Journal-Scan/2013/10/Pulmonary-Valve-Replacement-After-Operative-Repair.aspx?w_nav=CSourceNews&w_pub=CSourceNews131011&WT.mc_ev=EmailOpen)