Muốn sống khỏe và hạnh phúc tuổi 50+? Đừng bỏ qua 6 bí quyết này

MUỐN SỐNG KHỎE MẠNH VÀ HẠNH PHÚC Ở TUỔI 50+? ĐỪNG BỎ QUA 6 BÍ QUYẾT NÀY

Hãy khám phá ngay 6 bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả bên dưới đây, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và viêm khớp cho người tuổi 50.

Theo theo chuyên trang y tế WebMD, tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao là những căn bệnh phổ biến nhất ở tuổi từ 50+. Bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu tăng cao làm tổn thương động mạch, trong khi huyết áp cao làm dày cơ tim và nếu tình trạng trở nên mạn tính có thể dẫn đến suy tim.

 

người cao tuổi tập thể dục
Bạn có biết, sức mạnh cơ bắp thường giảm dần theo tuổi tác?

Hãy cùng tham khảo 6 lời khuyên hữu ích dưới đây từ các chuyên gia của Johns Hopkins Medicine:

3 điều người 50 tuổi trở lên nên làm

Rèn luyện sức mạnh

Sức mạnh cơ bắp thường giảm dần theo tuổi tác, vì vậy, việc duy trì sức mạnh cơ bắp là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp bạn đảm bảo sức khỏe mà còn ngăn ngừa teo cơ, đặc biệt là ở người trên 50 tuổi.

Đồng thời, việc rèn luyện sức mạnh còn giúp tăng cường mật độ xương, làm chậm quá trình mất xương, từ đó giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Tìm một người bạn để cùng luyện tập

Việc có một hoặc một vài người bạn đồng hành, đó có thể là bạn bè hay người thân, sẽ giúp bạn kiên trì với thói quen tập thể dục mỗi ngày. Thậm chí, việc nuôi một chú chó cũng có thể là động lực tuyệt vời giúp bạn ra ngoài vận động nhiều hơn.

Duỗi cơ thường xuyên

Khi bước vào độ tuổi 50+, gân và cơ bắp có thể trở nên cứng và kém linh hoạt hơn. Vì vậy, việc duỗi cơ đều đặn có thể giúp bạn ngăn ngừa chấn thương. Lưu ý, hãy duỗi cơ nhẹ nhàng và chậm rãi, tránh ép cơ quá mức hoặc thực hiện các động tác co giật mạnh.

 

Người cao tuổi tập thể dục
Hãy tập luyện cùng bạn bè, người thân để tăng niềm vui và động lực

Theo WebMD, viêm xương khớp đầu gối có thể gặp ở lứa tuổi trên 45. Tuy nhiên, người trên 50 tuổi sẽ đau khớp nhiều hơn. Các triệu chứng chung bao gồm đau đầu gối khi ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi gập chân, lên hoặc xuống cầu thang. Cơn đau có thể nghiêm trọng đến mức không thể chịu nổi.

Ngoài việc khám để điều trị, cần chú ý tránh ngồi xổm, quỳ hoặc ngồi xếp bằng, giữ cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên.

3 điều người tuổi 50 trở lên cần tránh cho sức khỏe

Tập luyện mà không tham khảo ý kiến bác sĩ

Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe như bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa hoặc bệnh thận.

Ngay cả khi sức khỏe ổn định, nếu bạn chưa từng tập thể dục trước đây, hãy bắt đầu một cách chậm rãi và tăng dần cường độ.

Nếu có bất kỳ lo ngại hoặc thắc mắc nào về sức khỏe, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Đăng ký ngay một phòng tập đắt tiền khi vừa bắt đầu

Nếu có ngân sách hạn chế, bạn vẫn có thể tập luyện hiệu quả ngay tại nhà. Đi bộ, làm vườn hay thậm chí hút bụi, dọn dẹp nhà cửa đều được coi là những hình thức vận động đơn giản nhưng hiệu quả.

Chỉ cần đầu tư vào một vài dụng cụ dễ tìm như tạ tay và dây kháng lực, bạn đã có thể rèn luyện và củng cố sức khoẻ thể chất ngay tại nhà.

Chỉ tập trung vào bài tập cho tim mạch

Mặc dù các bài tập tim mạch rất quan trọng, nhưng đừng quên kết hợp với các bài tập duỗi cơ, rèn luyện sức mạnh, và tăng cường khả năng thăng bằng của cơ thể.

Các môn như Thái Cực Quyền, Pilates và Yoga không chỉ giúp cải thiện khả năng cân bằng mà còn tăng cường sức mạnh cốt lõi, đặc biệt ở người trên 50 tuổi, giúp bảo vệ cột sống và ngăn ngừa nguy cơ té ngã trong tương lai.

người cao tuổi tập luyện với bác sĩ
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào

Thực hiện thử thách “Ngồi ít – Di chuyển nhiều”

Tập thể dục đều đặn có thể tạo áp lực tâm lý, đặc biệt là với những người mới bắt đầu. Đôi khi, việc cố gắng đạt được mục tiêu hoạt động thể chất mà bác sĩ đề ra có thể khiến bạn cảm thấy áp lực và dễ dàng bỏ cuộc.

Tuy nhiên, những khuyến nghị đó chỉ là hướng dẫn tham khảo, bạn không nhất thiết phải hoàn thành ngay lập tức.

Người cao tuổi tập dưỡng sinh thái cực quyền
Việc ngồi quá lâu có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch tương đương với việc không tập thể dục.

Tập thể dục 30 phút mỗi ngày không quan trọng bằng việc bạn làm gì trong hơn 23 giờ còn lại. Việc ngồi quá lâu có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch tương đương với việc không tập thể dục.

Thay vì ép buộc bản thân tập luyện quá sức từ đầu, bạn có thể bắt đầu bằng cách giảm thời gian ngồi trong ngày. Ví dụ, thay vì cố gắng đạt mục tiêu 10.000 bước mỗi ngày ngay trong tuần đầu tiên, bạn có thể chia nhỏ và tăng dần cường độ hoạt động trong từ hai đến ba tháng.

Nghiên cứu cho thấy ngồi yên một chỗ trong thời gian dài có thể làm giảm hiệu quả của 30 phút tập thể dục. Thậm chí, có bằng chứng cho thấy việc ngồi quá lâu, chẳng hạn như xem tivi trong thời gian dài, có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch tương đương với việc không tập thể dục. Ngồi lâu cũng có thể dẫn đến béo phì và tiểu đường, ngay cả ở những người vẫn luyện tập thể thao đều đặn.

Vì vậy, dù tập thể dục hàng ngày rất quan trọng nhưng việc thường xuyên đứng dậy và di chuyển trong phần còn lại của ngày cũng không kém phần thiết yếu.

Lược dịch theo Johns Hopkins Medicine

Leave a Reply

Your email address will not be published.