Thông Tin Về Bệnh CoronaVirus 2019 (Covid-19) Và Người Bệnh Tim Bẩm Sinh

Home / Bệnh nhân & Thân nhân / Thông Tin Về Bệnh CoronaVirus 2019 (Covid-19) Và Người Bệnh Tim Bẩm Sinh

THÔNG TIN VỀ BỆNH CORONAVIRUS 2019 (COVID-19) VÀ NGƯỜI BỆNH TIM BẨM SINH

BS. Phạm Thục Minh Thủy – dịch và điều chỉnh thông tin theo tình hình Y tế Việt Nam và thực hành tại BV Tim Tâm Đức.

Nguồn: The Congenital Heart Public Health Consortium (CHPHC) – Hiệp hội Sức khỏe cộng đồng về Bệnh tim bẩm sinh, đã hợp thức hóa thông tin bởi CDC Hoa Kỳ.

 Những điều bạn cần biết về cách COVID-19 ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn?

Thông tin từ các quốc gia khác cho thấy trẻ em dường như không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 như người lớn. Ở Trung Quốc, hơn 2000 trẻ bị nhiễm, chỉ có 13 trường hợp nguy kịch và 1 trường hợp tử vong. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm khi dữ liệu khác được chia sẻ và công bố. Tuy nhiên, người lớn tuổi và những người mắc bệnh tim mạch nếu nhiễm bệnh có thể có nhiều biểu hiện nghiêm trọng hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với nhóm người lớn có tiền sử bệnh tim mạch như suy tim, tăng huyết áp hoặc bệnh động mạch vành và cho những người mắc bệnh phổi mãn tính như hen suyễn hoặc bệnh nhân tim bẩm sinh có tăng áp phổi.

 COVID-19 ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tim bẩm sinh như thế nào?

Thật không may, tại thời điểm này chúng ta không có dữ liệu về COVID-19 đối với trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, bệnh tim bẩm sinh dường như không làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng đây được xem là yếu tố làm biểu hiện COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là ở những người lớn tuổi có các diễn biến nặng của bệnh tim bẩm sinh (ví dụ: bị suy tim sung huyết nặng hoặc bệnh phổi mãn tính). Bệnh tim bẩm sinh đi kèm các bệnh lý mãn tính khác như đái tháo đường cũng có thể tăng nguy cơ này.

Nói cách khác, những người có nguy cơ nhiễm cúm mùa nặng cũng có khả năng bị COVID-19 nặng.

Hãy tham vấn thêm với bác sĩ tim mạch nếu bạn lo lắng về nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng.

 Tôi nên tự bảo vệ sức khỏe như thế nào?

Cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe là phòng ngừa nhiễm bệnh càng nhiều càng tốt. Rửa tay, tránh nơi đông người, ở nhà nhiều nhất có thể, mang khẩu trang đúng cách và cách xa người khác ít nhất 2 mét khi ở nơi công cộng, hạn chế sờ vào mặt: là các cách phòng bệnh tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt đối với các gia đình có thành viên mắc bệnh tim bẩm sinh.

​Hiện không có thuốc hoặc chất bổ sung nào có thể ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, theo những hướng dẫn chung như việc ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc là hữu ích. Điều quan trọng là bệnh nhân tim bẩm sinh cần tuân thủ đầy đủ lịch tiêm chủng bao gồm vắc-xin viêm phổi và cúm.

Về việc dùng thuốc cho bệnh nhân tim bẩm sinh, theo khuyến cáo của CDC cần tiếp tục dùng thuốc. Tuy nhiên để an toàn nhất, bạn nên liên hệ bác sĩ điều trị tham vấn về việc mua thuốc thêm nếu tình trạng bệnh ổn định và bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang lo lắng.

Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Suy tim Hoa Kỳ khuyến nghị vào 17/3/2020 rằng bệnh nhân tim mạch cần tiếp tục tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm cả thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin.

 Tôi có nên đi làm không nếu tôi hoặc thành viên trong gia đình bị tim bẩm sinh?

​Nếu lo lắng nguy cơ cao mắc COVID-19, bạn nên trao đổi với người quản lý hoặc nhân viên y tế cơ quan. Các công ty cần lưu ý rằng nhiều nhân viên có thể cần ở nhà để chăm sóc cho trẻ em hoặc các thành viên gia đình bị bệnh tim bẩm sinh trong trường hợp dịch bùng phát trong cộng đồng. Các biện pháp phòng ngừa như làm việc từ xa hoặc yêu cầu tránh một số công việc tiếp xúc trực tiếp.

 Tôi nên làm gì nếu cảm thấy có triệu chứng bất thường?

​Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và khó thở, hãy gọi điện thoại qua đường dây nóng của Sở/Bộ Y tế để được tư vấn và nếu cần xét nghiệm, hoặc liên lạc bác sĩ tim mạch của bạn.

​Ở nhà và tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt trừ khi cần tái khám hoặc có các vấn đề y khoa khác phát sinh. Lưu ý rằng, những người bị tim bẩm sinh vốn dĩ có thể có khó thở và tím (da, môi và móng tay). Nếu những triệu chứng này trở nên nặng hơn, hoặc cảm thấy đau ngực hoặc bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào khác, hãy gọi 115 hoặc đến ngay phòng cấp cứu gần nhất.

 Tất cả những điều này đang làm tôi căng thẳng. Có cách nào giúp tôi đối phó?

​Bùng phát dịch bệnh COVID-19 có thể gây căng thẳng cho mọi người. Sợ hãi và lo lắng có thể gây stress ở cả người lớn và trẻ em. Hiểu rõ về bệnh và đối diện trực tiếp với căng thẳng, lo lắng sẽ làm cho bạn và người thân vững tin. Trong giai đoạn đại dịch đang bùng phát, kiểm soát lo lắng, sợ hãi và hoang mang là không dễ dàng. Điều quan trọng nhất là giữ tinh thần tích cực. Tuy nhiên, có vài điều bạn có thể làm giúp giảm căng thẳng. Duy trì thời khoá biểu một cách khoa học, ngay cả khi ở nhà. Tập thể dục thường xuyên, sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh và ngủ đủ giấc. Ngoài ra, kết nối thường xuyên với gia đình và bạn bè qua điện thoại, trò chuyện qua video.

​Nếu bạn hoặc người thân cảm thấy có sự thay đổi trong tâm lý như buồn bã, chán nản hoặc lo lắng quá mức hoặc có suy nghĩ tiêu cực, hãy liên lạc với nhân viên y tế bất cứ khi nào bạn cần trợ giúp.

Một số nguồn dữ liệu hữu ích khác và Thông tin chi tiết tham khảo thêm tại một số website sau:

 Lưu ý cập nhật thường xuyên những thông tin y tế về dịch bệnh từ các trang website uy tín để có thêm thông tin chi tiết như từ Bộ Y tế Việt Nam https://moh.gov.vn/ hoặc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/phong-chong-dich-benh-c2.aspx hoặc tại website/ fanpage của bệnh viện Tim Tâm Đức.

Leave a Reply

Your email address will not be published.