Suy tim là gì? Và những điều cần biết về suy tim sẽ được BS. CK1. Trần Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Tim mạch IV – Khoa Nội tim mạch – Chuyển hóa, Bệnh viện Tim Tâm Đức chia sẻ rất cụ thể trong bài viết Y học thường thức.
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim bơm máu không hiệu quả dẫn đến thiếu oxy và chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, suy tim là nguyên nhân gây nhập viện hàng đầu ở người trên 65 tuổi.
Bệnh nhân cao tuổi bị suy tim có thể do bệnh lý tim mạch mãn tính nhưng cũng có thể do lão hóa hoặc không được thăm khám và theo dõi tim mạch tốt.
Bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh suy tim thường có nhiều bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rung nhĩ, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, suy thận hoặc thiếu máu do đó bệnh nhân thường phải dùng nhiều thuốc hơn.
Trong khi đó, các triệu chứng suy tim của bệnh nhân cao tuổi thường không rõ ràng. Những biểu hiện suy tim ở người cao tuổi bao gồm khó thở tăng dần khi thực hiện các hoạt động hằng ngày như tắm rửa, lúc mặc quần áo, mang giày, phù chân hoặc bụng to dần, mệt mỏi, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn, suy giảm nhận thức hoặc ho dai dẳng.
Nguyên nhân suy tim
Bất kỳ tình trạng nào sau đây đều có thể làm tổn thương hoặc suy yếu cơ tim gây suy tim:
- Bệnh động mạch vành: là dạng bệnh tim thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim. Bệnh động mạch vành là do sự lắng đọng chất béo trong lòng mạch gây xơ vữa động mạch làm giảm lưu lượng máu và dẫn đến thiếu máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim thường xảy ra đột ngột khi động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn.
- Tăng huyết áp: khi huyết áp cao, tim phải làm việc nhiều hơn mức bình thường để lưu thông máu khắp cơ thể. Theo thời gian, do hoạt động nhiều hơn bình thường khiến cơ tim dầy lên hoặc yếu đi làm giảm khả năng đổ đầy hoặc bơm máu.
- Bệnh van tim: các van tim giúp cho máu chảy theo hướng thích hợp. Khi van bị tổn thương (do bẩm sinh, do bệnh lý tại van tim như hẹp van tim, hở van tim, hẹp hở van tim hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm trùng) gây nên ứ trệ dòng máu qua các van hoặc dòng máu phụt ngược trở lại qua các van, tạo nên tình trạng ứ máu trong các buồng tim và phổi) khiến tim phải làm việc nhiều hơn dần dần dẫn đến suy tim.
- Bệnh cơ tim: có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm di truyền, nhiễm trùng, sử dụng rượu và thuốc gây độc cơ tim như cocaine hoặc hóa trị liệu. Viêm cơ tim thường do vi-rút gây ra, bao gồm cả vi-rút corona, có thể dẫn đến suy tim trái.
- Bệnh tim bẩm sinh: do các buồng tim và van tim có khiếm khuyết trong quá trình hình thành trong bào thai tạo những luồng thông bất thường trong các buồng tim hay giữa các động mạch lớn khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu.
- Rối loạn nhịp tim: tim đập quá nhanh hoặc quá chậm hay lỗi nhịp không đều cũng tạo thêm gánh nặng cho tim để đảm bảo đưa máu đi đến các cơ quan trong cơ thể dẫn đến suy tim.
- Những bệnh khác như tiểu đường, HIV, cường giáp, suy giáp, tích tụ chất sắt có thể góp phần gây ra suy tim mạn tính.
Dấu hiệu và triệu chứng suy tim
Suy tim có thể mạn tính hoặc cấp tính. Triệu chứng suy tim bao gồm:
- Khó thở khi vận động hoặc khi nằm
- Mệt mỏi và suy nhược
- Sưng cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Giảm khả năng vận động
- Ho dai dẳng hoặc thở khò khè kèm đàm trắng hoặc hồng
- Sưng vùng bụng
- Tăng cân nhanh do phù
- Buồn nôn và chán ăn
- Khó tập trung hoặc giảm tỉnh táo
- Đau ngực nếu suy tim do nhồi máu cơ tim
Theo dõi triệu chứng suy tim – Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Khi bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim sau đây:
- Nặng ngực
- Ngất hoặc suy nhược nặng
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều kèm theo khó thở, đau ngực hoặc ngất
- Khó thở đột ngột, dữ dội và ho đàm bọt trắng hoặc hồng
- Nếu bạn đã được chẩn đoán suy tim và có bất kỳ triệu chứng nào đột ngột nặng hơn hoặc xuất hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng mới, điều đó có nghĩa là suy tim đang nặng hơn hoặc không đáp ứng với điều trị.
- Bệnh nhân có thể tăng từ 2-3 kg trở lên trong vòng vài ngày.
Khi có những dấu hiệu này thì bạn cần đến khám bác sĩ ngay.
Điều trị suy tim thế nào?
Việc điều trị suy tim ở người cao tuổi thường phối hợp bằng bốn phương pháp cơ bản với từ viết tắt 4T (Thuốc – Thực phẩm – Theo dõi – Thể dục).
Thuốc
Luôn tuân thủ điều trị theo toa. Cần uống thuốc đúng giờ để tránh quên thuốc.
Thực phẩm: chế độ ăn uống
Cần hạn chế muối và nước theo tư vấn của bác sĩ. Thông thường, bệnh nhân suy tim nên ăn ít hơn 2 gram muối ( = ½ muỗng cà phê) và uống ít hơn 1800ml nước mỗi ngày (lượng muối và nước cụ thể còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân, cần tham khảo thêm chế độ dinh dưỡng với bác sĩ của mình).
Theo dõi bệnh trạng
Cần đo huyết áp, cân nặng, lượng nước tiểu và lập bảng theo dõi mỗi ngày. Bệnh nhân cần mang những bảng này đến bác sĩ khi tái khám.
Thể dục: đi bộ phù hợp
Tập thể dục là điều cần thiết để giữ cho trái tim khỏe mạnh. Bệnh nhân suy tim vẫn nên hoạt động mỗi ngày nhưng cần cẩn thận không tập luyện quá sức. Một hình thức tập thể dục hiệu quả cho người cao tuổi bị suy tim là đi bộ.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân mong muốn có bài tập phù hợp hơn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách chăm sóc người bị suy tim
Nếu người thân lớn tuổi hoặc thành viên gia đình bạn đang mắc bệnh suy tim, bạn có thể giúp họ bằng những cách sau:
- Cần theo dõi thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
- Đi cùng người thân trong những buổi thăm khám.
- Giúp lập bảng theo dõi các chỉ số huyết áp, cân nặng, lượng nước tiểu hằng ngày.
- Luôn thăm hỏi tình trạng của người thân, quan sát những biểu hiện của suy tim như khó thở, phù, mệt mỏi, lượng nước uống và tình trạng tinh thần.
- Theo dõi các triệu chứng khi dùng thuốc. Chú ý những thay đổi trong toa thuốc trong mỗi lần thăm khám.
- Không tự ý mua thuốc giảm đau cho người thân vì sẽ làm nặng hơn tình trạng suy tim của người bệnh.
- Ghi lại và báo cáo những thay đổi này với bác sĩ.
Mặc dù có nhiều thách thức trong việc điều trị suy tim ở người cao tuổi nhưng bạn không phải đối mặt với chúng một mình.
Điều trị sớm và chăm sóc đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm diễn tiến bệnh, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn, an tâm điều trị.
Phòng ngừa suy tim
Phòng ngừa suy tim là phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lý gây ra suy tim ví dụ bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì.
Bạn có thể kiểm soát hoặc loại bỏ nhiều yếu tố nguy cơ gây suy tim bằng cách thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.
Thay đổi lối sống để giúp ngăn ngừa suy tim bao gồm:
- Không hút thuốc
- Kiểm soát huyết áp và đường huyết
- Duy trì hoạt động thể lực
- Ăn thực phẩm lành mạnh, giảm muối
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Giảm lo âu căng thẳng
- Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ mỗi 6 tháng cho người từ 40 tuổi trở lên
- Những người có các bệnh lý hoặc nguy cơ từ bệnh lý tim mạch (béo phì, thừa cân, hút thuốc lá, ít vận động thể lực, nghiện rượu, bia, ….)
- Những người phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm cho tất cả mọi người để tầm soát bệnh lý và những yếu tố nguy cơ có thể gây ra suy tim, kịp thời có hướng điều trị sớm.
BS. CK1. TRẦN THỊ KIM THANH
Trưởng khoa Tim mạch IV – Khoa Nội tim mạch – Chuyển hóa, Bệnh viện Tim Tâm Đức
(Tài liệu tham khảo: Baptist-Health và UChicagoMedicine)
KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ SUY TIM TẠI BỆNH VIỆN TIM TÂM ĐỨCTại bệnh viện Tim Tâm Đức, chúng tôi cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bị suy tim, đặc biệt những bệnh nhân cao tuổi, bao gồm điều trị bằng những thuốc đã được chứng minh giúp kéo dài đời sống và gắn máy máy phá rung (ICD) hoặc máy tạo nhịp tái đồng bộ (CRT-D) khi có chỉ định. Ngoài ra, chúng tôi cũng có chương trình phục hồi chức năng tim mạch và bác sĩ tư vấn dinh dưỡng cho người cao tuổi bị suy tim.
|
Leave a Reply