Những Trái Tim “Mang Đi”

Home / Tin tức / Những Trái Tim “Mang Đi”

NHỮNG TRÁI TIM “MANG ĐI”

Vậy là chuyến đi thứ hai đến Ninh Thuận muộn hơn dự kiến hẳn ba tháng vì covid-19. Đoàn gửi lời chào Sài Gòn trong những chuyến đi thường khi Mặt trời còn đang ngủ. Lần này chuyến đi về Ninh Thuận khởi hành lúc mặt trời đứng bóng, sau giờ làm việc buổi sáng, anh em sau bữa cơm trưa vội vàng ở nhà ăn bệnh viện, thay trang phục rồi vội vã khoác ba lô lên xe cho kịp hành trình.

Nắng chiếu lung linh những cành hồng đủ màu trước sảnh Tâm Đức, soi lên hình ảnh trái tim đỏ hồng trên bảng tên Bệnh viện. Mỗi hành trình trên chiếc xe mang bảng hiệu rất riêng “MT3 – Bệnh viện Tim Tâm Đức” lại mang đi những trái tim tuổi trẻ của các bác sĩ, các điều dưỡng, các tình nguyện viên, các mạnh thường quân tài trợ cho hoạt động mổ tim từ thiện nhiều năm nay. Hành trình đến những miền quê xa xôi mà ở đó có những đôi môi, ánh mắt rạng rỡ trong những nụ cười trong cuộc gặp gỡ lần đầu, những cuộc hẹn gặp lại từ lúc nào.

Hành trình đến Ninh Thuận

Con đường dẫn từ Mũi Né đến Phan Rang thay đổi khá nhiều. Nắng vẫn còn trải trên những bãi cát vàng, những dải sóng xanh ùa vào bờ. Niềm vui trong những cuộc hành trình đôi khi chỉ là một khoảnh khắc ngồi trên xe di chuyển, nhìn thấy chính quê hương mình đổi thay xinh đẹp, như những ước mơ gửi trong những chiếc turbin điện gió sừng sững điểm màu trắng tinh trong dải xanh của những rừng cây, thảm cỏ, những công trình bên đường đang xây… Mọi thứ dường như đang đổi mới mọi nơi.

Những ngày trong hành trình “mang đi”

Trời mùa hè sáng rất nhanh. Những đứa nhỏ đến bệnh viện để khám theo chương trình được gửi đến thôn xóm báo trước cách đó vài tuần. Bước vào sân trạm y tế huyện Ninh Phước, 7 giờ sáng, các em bé nhỏ đã được bế trên tay, dắt đi vòng quanh chờ đoàn. Quanh khuôn viên trạm y tế bao bọc với những hàng xương rồng dày đặc, nở hoa đỏ hoa trắng, dường như nét đặc trưng của chính vùng nắng gió này. Đoàn đón hơn 100 bé cho ngày đầu tiên. Có những niềm vui vì con kiểm tra con khỏe, có những nỗi lo lắng vì “con gái đã mổ tứ chứng, bác sĩ dặn đừng có chồng, mà giờ nó đi làm xí nghiệp, quen chồng rồi có thai một tháng, có sao không bác sĩ?” Đôi mắt cô gái còn ngây thơ, còn lo sợ hơn vạn lần so với người mẹ, vì chẳng ý thức được rồi mười tám tuổi thì sẽ làm mẹ thế nào. Những ủi an đến muộn, nhưng mầm sống cần được sống, cô gái sắp làm mẹ đã kịp phẫu thuật tim năm năm trước để chờ đón đứa con mình bây giờ. Có điều, lời dặn của bác sĩ hôm nay rằng cô phải đi khám và theo dõi thai kỳ, hi vọng cô và mẹ cô sẽ nhớ. Các em gái nhỏ người Chăm ở đây hầu như có đôi mắt rất đẹp, long lanh, hàng mi dài cong vút. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng Chăm, hiếm hoi lắm mới có những câu tiếng Việt hỏi bác sĩ về sức khỏe của con em mình, những lời ủi an từ chính bác sĩ cũng được cha mẹ các cháu phiên dịch lại. Có những câu chuyện “chuyển giao”, như một người mẹ trẻ còn chưa biết cách bồng con, mọi thứ đều dựa vào bà ngoại, bồng cháu, khai bệnh, tất tần tật. Đứa nhỏ hở hàm ếch sau khi kiểm tra tim ổn thì được chuyển sang cho người hướng dẫn để cháu được phẫu thuật sửa sứt môi, chẻ vòm hầu. Có những người “đến muộn”, như một người mẹ ôm con đi từ Ninh Sơn đến kiểm tra, đi từ tận 7 giờ sáng đến nơi trán còn lấm tấm mồ hôi. Người mẹ hơn 40 tuổi đón đứa con trai út trong gia đình đã đó ba cô con gái với đầy hi vọng. Rồi khi hơn 2 tháng tuổi linh cảm người mẹ thấy bé chậm hơn các bé còn lại trong nhà rồi phát hiện lỗ thông trong tim và bé mắc hội chứng Down. Chuỗi ngày tiếp sau với đầy lo lắng, trách cứ chính mình. Nhưng khi được hỏi, nếu phải chọn lựa “phẫu thuật tim cho con chỉ điều trị được bệnh tim, hội chứng Down vẫn còn, bé vẫn chậm hơn các bé khác… và việc chẳng làm gì cả”. Người mẹ nghẹn ngào “em vẫn nói chuyện với con hàng ngày, bác sĩ ơi nếu được hãy mổ tim, giúp cháu bớt mệt, còn con em, em vẫn thương nhiều”. Những cuộc gặp mới với nhiều câu chuyện khác nhau ở lại, những luồng thông trong tim, những chiếc van hở nặng, những buồng tim bị dãn, những trái tim với thành tim dày, hẹp đường thoát máu… và chắc chắn là, những cái hẹn gửi trao “gặp lại nhau ở BV Tim Tâm Đức một ngày thật gần” với nhiều hi vọng được ươm mầm.

Ngày thứ hai với hơn 150 gương mặt mới mà các thành viên trong đoàn sẽ gặp. Vẫn trong cái nắng gắt dù là sớm mai, xe di chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh, đi qua cổng chào. Đoàn đi vào khoa, hàng ghế hai bên các cô điều dưỡng đã khéo léo sắp xếp các cháu cùng ba mẹ ngồi thẳng hàng đợi. Tuần tự các cháu nhanh chóng được mời vào phòng khám, được vào siêu âm tim. Chiếc máy siêu âm ghi rõ hình ảnh một khối u trong tim chiếm gần hơn một phần ba buồng thất phải, gây cản trở buồng tống thất phải. Vậy là, một cuộc hội chẩn nhanh chóng với phẫu thuật viên để cùng xem cho bé. Rồi, bé khác đến, con hơn một tuổi mà môi tím nhiều, được chẩn đoán tứ chứng Fallot, những bé khác với luồng thông liên thất, thông liên nhĩ,… được các bác sĩ nhận ra sẽ được xem kỹ, hội chẩn thêm khi các cháu về đến Tâm Đức vài tuần tới. Thậm chí có bé với hai lỗ thông nhỏ trong tim nhưng tràn dịch màng tim lượng vừa chưa rõ nguyên nhân còn cần vào viện để đánh giá thêm rõ hơn. Một em bé gây ấn tượng nhiều, con với đôi mắt khó nhận định cảm xúc, mười lăm tháng còn chưa biết ngồi, chưa biết nhận ra mẹ với những cơn động kinh đang dùng thuốc và một ống động mạch nhỏ còn tồn tại. Điều khó khăn nhất khi làm bác sĩ là khi phải nói lời từ chối hoặc trì hoãn một cuộc mổ tim nào đó vì lợi ích đôi khi chẳng nhiều hơn. Hành trình cũng có những cuộc gặp lại, để kiểm tra lại sau những lần phẫu thuật tim đã thực hiện, những cuộc mổ thành công làm ba mẹ các cháu cảm thấy yên tâm vì khó khăn trong hành trình khăn gói về lại Sài Gòn. Có khi hành trình là sự kì diệu của những bệnh nhân cũ gặp lại vẫn nhận ra bác sĩ sau lớp khẩu trang “bác sĩ ơi em cám ơn nhiều vì đã chữa cho em, nay em đem con em đến khám kiểm tra như bác sĩ dặn”.

Những lời chân chất, những tình cảm từ những ánh mắt, những câu cám ơn đã là động lực rất nhiều cho những trái tim “mang đi”. Chuyến xe MT3 đi khắp ngả đường, mang đi những trái tim hồng, gieo yêu thương ở lại những nơi đã qua – sẽ đến và mang về những trái tim chưa trọn vẹn để phẫu thuật sửa chữa như ước mơ từ chính những ngày đầu Bệnh viện tim Tâm Đức thành lập, như lời BS Phan Kim Phương, cố vấn chuyên môn của Tâm Đức, “ước mơ giải quyết kịp thời cho những bệnh nhân đang mong mỏi chờ mổ và giúp người nghèo được mổ tim”.

Ninh Thuận, 4/7/2020
Nhật ký hành trình
BS. CKI. Phạm Thục Minh Thủy
Đơn vị Tim Bẩm Sinh – Bệnh viện Tim Tâm Đức

Leave a Reply

Your email address will not be published.