Nhiệt độ cao làm tăng huyết áp, mất nước, rối loạn tuần hoàn và đặc biệt nguy hiểm với người lớn tuổi, người có bệnh tim mạch nền. Đáng lo ngại hơn, nhiều thói quen tưởng chừng vô hại trong mùa hè lại vô tình trở thành “đòn bẩy” kích hoạt cơn đột quỵ.
ThS.BS.CKI. Huỳnh Thị Ngọc Huyền (Khoa Hồi sức Cấp cứu Nội Tim Mạch – Bệnh viện Tim Tâm Đức) cảnh báo, các đợt nắng nóng gay gắt không chỉ khiến cuộc sống trở nên “ngột ngạt” mà còn âm thầm đẩy nhiều người đối mặt với nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ.
Vì sao đột quỵ tăng cao trong mùa nóng?
Mùa hè với nhiệt độ cao và nắng gắt được ghi nhận là yếu tố làm gia tăng đáng kể các ca đột quỵ. Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể dễ mất nước và điện giải qua mồ hôi, dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn và tăng độ nhớt máu thúc đẩy hình thành huyết khối, gây đột quỵ thiếu máu não.
Bên cạnh đó, nhiệt độ cao làm tăng huyết áp và rối loạn điều hòa thân nhiệt, đặc biệt ở người cao tuổi và người có bệnh lý tim mạch nền tạo điều kiện cho đột quỵ xuất huyết não xảy ra.
Theo một nghiên cứu của tác giả Lian và cộng sự năm 2015 cho thấy khi nhiệt độ môi trường tăng lên 1 độ C sẽ làm tăng 1,1% tỉ lệ mắc và tử vong của bệnh.
Theo nghiên cứu của tác giả Saeed A và cộng sự thực hiện năm 2021 nhận thấy trong số 1271 bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp bao gồm cả nhồi máu não và xuất huyết não thì có tới 60,89% trường hợp xảy ra vào mùa nóng.
Mặc dù hiện tại chưa có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ đột quỵ gia tăng trong mùa nắng nóng tại Việt Nam, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo rằng thời tiết nóng bức có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ đặc biệt, những người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì hoặc người cao tuổi.
Những ai có nguy cơ cao đột quỵ mùa nắng nóng?
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, nguy cơ đột quỵ não gia tăng rõ rệt ở một số nhóm đối tượng do suy giảm khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể và khả năng thích nghi với stress nhiệt.
Một số nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trong điều kiện nhiệt độ cao bao gồm:
Người trên 65 tuổi
Chức năng điều hòa thân nhiệt và tuần hoàn suy giảm, khi thời tiết nắng nóng kéo dài dễ gây mất nước, tăng huyết áp và rối loạn tuần hoàn và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Người mắc bệnh lý nền
Các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu… đây là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não, trong thời tiết nắng nóng các các yếu tố này có thể thúc đẩy gia tăng đột quỵ.
Người đã có tiền sử đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua
Vào mùa nắng nóng, tình trạng mất nước, tăng thân nhiệt và huyết áp dao động làm tăng nguy cơ tái tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não.
Vận động viên
Người tập luyện cường độ cao ngoài trời trong điều kiện nắng nóng kéo dài mà không có chế độ nghỉ ngơi, bổ sung nước điện giải hợp lí có nguy cơ cao bị đột quỵ.
Người lao động ngoài trời
Các công nhân xây dựng, nông dân, người giao hàng…là những đối tượng có nguy cơ mất nước hoặc sốc nhiệt khi làm việc kéo dài dưới thời tiết nắng nóng.
Người có thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, chất kích thích
Do các chất này gây giãn mạch, mất nước, rối loạn huyết áp và tổn thương mạch máu. Dưới tác động của nhiệt độ cao, các yếu tố này cộng hưởng làm tăng nguy cơ tắc mạch hoặc vỡ mạch máu não.
Các thói quen dễ gây đột quỵ mùa nắng nóng
Trong mùa nắng nóng, một số thói quen sinh hoạt không phù hợp có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ tim mạch tiềm ẩn.
Sau đây là số thói quen tạo nguy cơ dễ gây đột quỵ trong mùa nắng nóng:
- Uống không đủ nước: mất nước làm tăng độ nhớt của máu, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
- Tắm nước lạnh, sử dụng máy lạnh nhiệt độ thấp bước ra bên ngoài trời nóng hoặc vừa ở ngoài trời nắng nóng vào phòng máy lạnh hay tắm nước lạnh ngay: sự co mạch đột ngột do sự thay đổi nhiệt độ có thể dẫn đến đột quỵ.
- Ra ngoài trời nắng gắt không có bảo hộ: tiếp xúc nhiệt độ cao kéo dài có thể gây sốc nhiệt, tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
- Uống bia rượu: rượu bia là chất có thể gây giãn mạch, lợi tiểu mất nước và điện giải làm tăng độ nhớt máu và tăng nguy cơ đột quỵ đặc biệt trong mùa nắng nóng. Rượu bia cũng làm giảm khả năng phán đoán và phản ứng với các dấu hiệu sớm của đột quỵ làm chậm trễ việc đến cơ sở y tế cấp cứu và điều trị kịp thời.
- Ngủ trong phòng kín không có thông gió: có thể dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể, thiếu oxy làm tăng nguy cơ đột quỵ đặc biệt là ở người già, người có bệnh nền tim mạch, huyết áp cao hoặc người làm việc nặng ban ngày.
- Tiếp tục làm việc gắng sức khi thấy dấu hiệu chóng mặt, mệt mỏi: không nghỉ ngơi đúng lúc khiến cơ thể bị suy kiệt đặc biệt là vào mùa nóng cơ thể mất nước rất nhanh, nếu không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải hợp lý dễ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ
- Tổng đài Cấp cứu bởi Chuyên gia 24/7: 038 733 025
- CẦN BIẾT: Nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng và ứng phó Nhồi máu cơ tim và Đột quỵ
Nhận diện nhanh triệu chứng sớm của đột quỵ qua F.A.S.T và ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Face (Mặt): mặt bệnh nhân bị kéo lệch sang một bên, không cân đối, uống nước bị chảy sang 1 bên ra ngoài.
- Arm (Tay): người bệnh đột ngột bị tê, yếu hoặc liệt một bên tay, chân, cử động khó khăn so với bên còn lại.
- Speech (Giọng nói): người bệnh đột ngột nói khàn giọng, nói khó, phát âm không rõ hoặc nói nội dung không thích hợp.
- Time (Thời gian): Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian cấp cứu sớm sẽ quyết định khả năng hồi phục của người bệnh.
Biện pháp phòng ngừa đột quỵ
- Uống đủ nước và điện giải: Cung cấp đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để tránh mất nước, giúp máu lưu thông dễ dàng và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Bổ sung nước uống điện giải, nước dừa, nước ép trái cây, hạn chế thức uống có cồn.
- Tránh ra ngoài trời nắng gắt: hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp từ 10h sáng đến 4h chiều. Nếu phải ra ngoài, hãy đội mũ, mặc áo chống nắng và dùng kem chống nắng.
- Không tắm ngay khi vừa về từ trời nóng: để tránh sự thay đổi nhiệt đột ngột nên để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ môi trường mát mẻ trong nhà và khi tắm hãy tắm nước ấm hoặc mát nhẹ thay vì nước lạnh để giảm nguy cơ sốc nhiệt.
- Tạo môi trường thoáng mát khi ngủ: ngủ trong phòng thoáng khí, có quạt hoặc điều hòa nhiệt độ vừa phải.
- Kiểm soát huyết áp và bệnh nền: theo dõi thường xuyên huyết áp, mức đường huyết và các bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường để phòng ngừa đột quỵ.
- Tập thể dục đều đặn: vận động nhẹ nhàng, vừa sức giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tuần hoàn máu. Tránh tập thể dục vào những giờ nóng trong ngày.
- Tránh rượu bia và chất kích thích: rượu bia và thuốc lá làm tăng huyết áp, gây giãn mạch, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm trong thời tiết nóng.
- Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: người cao tuổi cần được giám sát và chăm sóc kỹ lưỡng, đặc biệt khi thời tiết quá nóng.
CHÚ Ý: Sau cơn đột quỵ: Biến chứng lâu dài của đột quỵ cần biết
Kết luận
Với thời tiết ngày càng khắc nghiệt, việc uống đủ nước, tránh sốc nhiệt, kiểm soát huyết áp, và chăm sóc người có bệnh nền đúng cách chính là những “vũ khí” đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ não bộ và trái tim.
Hãy lắng nghe cơ thể, chăm sóc sức khỏe chủ động để mùa hè không còn là nỗi lo đột quỵ.
- Tổng đài Cấp cứu bởi Chuyên gia 24/7: 038 733 025
Đặt lịch khám
ThS.BS.CKI. Huỳnh Thị Ngọc Huyền – Bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức cấp cứu Nội Tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Y học và Chuyên khoa I chuyên ngành Nội khoa tại Đại học Y Dược Cần Thơ. Bác sĩ Ngọc Huyền có thế mạnh chuyên sâu trong lĩnh vực Nội Tim Mạch, đặc biệt trong chẩn đoán và xử trí cấp cứu tim mạch.
Khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nội Tim Mạch (USIC) – Bệnh viện Tim Tâm Đức hoạt động 24/7 – An toàn – Chính xác – Nhanh chóng với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ được đào tạo chuyên sâu.
Chuyên xử lý khẩn cấp: Nhồi máu cơ tim, sốc tim, suy tim; Nhồi máu não, bệnh lý thần kinh; Suy hô hấp, hen phế quản, viêm phổi; Suy thận cấp; Hôn mê tăng đường huyết…
- Đặt lịch khám Online | Đặt lịch qua Tổng đài: 1900 561 539 | 0903 052 432
Leave a Reply