CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH CHỦ (ENDOVASCULAR AORTIC REPAIR)
Tác giả: Khoa Bệnh lý mạch máu
Can thiệp động mạch chủ là gì?
- Là phương pháp điều trị phình động mạch chủ xâm lấn tối thiểu thay cho phẫu thuật mở ngực/bụng để điều trị phình động mạch chủ. Được thực hiện bằng cách sử dụng các ống mỏng, dài gọi là ống thông để đưa stent (một loại giá đỡ bằng kim loại đặc biệt, được bao quanh bằng một lớp vải lót) để bít kín thành động mạch bị yếu (do phình, bóc tách); nhờ vậy thành mạch tránh được tác động trực tiếp của áp lực máu lớn, ngăn vỡ và giảm kích thước túi phình.
- Vì thế, thủ thuật này an toàn hơn phẫu thuật mở ngực/ bụng và thời gian nằm viện, thời gian phục hồi sức khoẻ cũng ngắn hơn.
Vì sao phải đặt stent graft động mạch chủ?
Mục tiêu của điều trị phình động mạch chủ là giảm nguy cơ biến chứng do phình động mạch.
Nguy cơ chính đối với chứng phình động mạch không được điều trị là vỡ, và khi chứng phình động mạch càng lớn, nguy cơ càng lớn. Hầu hết bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ không thể sống sót.
Có một số yếu tố cần xem xét khi quyết định điều trị phình động mạch chủ bao gồm:
- Sự hiện diện của các triệu chứng, bao gồm đau bụng, đau lưng hoặc đau ở háng hoặc đùi trong.
- Kích thước của phình động mạch, đặc biệt là đường kính của nó.
- Tốc độ phát triển nhanh của phình động mạch (đường kính tăng hơn 0.5 cm / 6 tháng).
- Sự hiện diện triệu chứng của bóc tách động mạch chủ, có thể đi kèm với đau rách đột ngột và dữ dội ở ngực hoặc lưng.
- Tình trạng bệnh lý đi kèm.
Không phải bệnh nhân nào cũng có thể phù hợp với phương pháp điều trị này, bạn có thể liên hệ các chuyên gia mạch máu để được tư vấn chi tiết hơn nhằm đánh giá chính xác loại điều trị nào tốt nhất cho bạn.
Thủ thuật đặt stent graft được thực hiện như thế nào?
Thủ thuật này được tiến hành trong phòng thông tim (Cath lab), được phối hợp bởi các chuyên gia (Teamwork) từ kỹ thuật viên, bác sĩ thông tim, phẫu thuật viên, và gây mê hồi sức.
Để thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được:
- Gây tê tại chỗ, gây tê tuỷ sống hay gây mê toàn thân bởi các chuyên viên gây mê hồi sức.
- Bác sĩ sẽ đưa một ống thông có chứa stent qua da bằng các dụng cụ có kích thước nhỏ hay bằng cách rạch da gần bẹn để bộc lộ động mạch đùi.
- Trong quá trình tiến hành thủ thuật, bác sĩ sẽ cần dùng thuốc cản quang với sự hỗ trợ của tia X để hướng dẫn stent graft đưa vào động mạch chủ, đến vị trí túi phình động mạch.
- Tiếp theo thả stent bằng cơ chế giống như lò xo và gắn nó vào thành động mạch chủ.
- Cuối cùng chụp lại mạch máu để kiểm tra, đảm bảo stent ở đúng vị trí cần đặt.
Bệnh nhân cần thời gian bao lâu để thực hiện thủ thuật, nằm viện? Bệnh nhân có thể có lại chất lượng cuộc sống thường nhật như trước đây sau đặt stent graft không và mất bao lâu?
- Thời gian thủ thuật nói chung thường mất khoảng 2 – 3h.
- Bệnh nhân thường chỉ cần nằm viện trong khoảng 3 – 5 ngày.
- Thời gian để hồi phục hoàn toàn thường trong vòng 2 – 4 tuần, tuỳ thuộc tuổi tác và các tình trạng sức khoẻ trước đó (so với phẫu thuật mở ngực/bụng cần phải mất gấp đôi thời gian nằm viện và cần 3 – 6 tháng để hồi phục hoàn toàn).
Phương pháp điều trị này có những nguy cơ gì?
Phương pháp này thường an toàn hơn so với phương pháp phẫu thuật mở ngực/bụng thông thường, mặc dù không có phương pháp nào an toàn 100%.
- Nguy cơ tử vong sau can thiệp trong hầu hết các trường hợp là < 3%, trong khi đó là 7% đối với phẫu thuật mở ngực/bụng.
- Các biến chứng phổ biến nhất là nhiễm trùng vết thương ở bẹn mà trong hầu hết các trường hợp có thể được kiểm soát bằng một đợt kháng sinh.
- Cũng có nguy cơ tổn thương thận mà nếu xảy ra thường phục hồi.
- Khoảng 10% bệnh nhân sẽ cần phải phẫu thuật nhỏ hơn trong tương lai nếu phát hiện rò rỉ xung quanh stent khi theo dõi.
- Các biến chứng chung của loại phẫu thuật này bao gồm nhồi máu cơ tim và nhiễm trùng vùng ngực, nhưng đây là những trường hợp hiếm gặp.
Bệnh nhân cần tuân thủ chăm sóc và điều trị nào sau can thiệp?
- Không nâng vật nặng trên 5 kg trong vòng 2 tuần sau can thiệp.
- Ngưng hút thuốc lá hoàn toàn nếu đang hút.
- Không được ngưng bất kỳ thuốc nào trước khi tham khảo ý kiến bác sỹ của bệnh nhân.
- Duy trì việc đi bộ, chạy xe đạp giúp kiểm soát các bệnh lý huyết áp, mỡ máu và cải thiện khả năng gắng sức.
Khi nào bệnh nhân cần chụp CT mạch máu kiểm tra?
- Hiệp hội Phẫu thuật Mạch máu Hoa Kỳ khuyến cáo theo dõi ban đầu sau 1 tháng bằng CT có chất cản quang và siêu âm màu. Nếu không có rò stent và giãn phình động mạch chủ bụng thì sau 12 tháng cần chụp hình ảnh lại.
- Hiệp hội Phẫu thuật Mạch máu Châu Âu khuyến cáo tất cả các bệnh nhân nên chụp mạch máu bằng cắt lớp vi tính (CTA) và chụp X-quang thường 30 ngày sau khi điều trị ban đầu. Nếu có rò stent, cần chụp lại CT sau 6 tháng và chụp X-quang thường sau 12 tháng. Bệnh nhân không bị rò stent và các đoạn nối tốt có thể bỏ qua chụp CT mạch máu sau 6 tháng, nhưng cần có chụp CT mạch máu và chụp X-quang thường sau 12 tháng. Nếu không có rò stent và phình động mạch chủ bụng ổn định/nhỏ lại thì khuyến cáo siêu âm màu và chụp X-quang thường hàng năm.
Những ai cần khám sàng lọc phình động mạch chủ?
- Sàng lọc phình động mạch chủ bụng bằng siêu âm ở nam giới từ 65 đến 75 tuổi đã từng hút thuốc.
- Sàng lọc phình động mạch chủ có lựa chọn dựa trên đánh giá yếu tố nguy cơ, bao gồm tuổi già và người thân trực hệ mắc phình động mạch chủ cho nam giới từ 65 đến 75 tuổi chưa từng hút thuốc.
Tài liệu tham khảo:
- https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/16964-endovascular-stent-graft-aortic-aneurysm-repair.
- https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000236.htm.
- https://www.circulationfoundation.org.uk/help-advice/abdominal-aortic-aneurysm/endovascular-aneurysm-repair-evar.
- https://bestpractice.bmj.com/topics/vi-vn/145.
Ảnh: Internet.
Leave a Reply