Béo Phì Và Bệnh Lý Tim Mạch

Home / Y học thường thức / Béo Phì Và Bệnh Lý Tim Mạch

BÉO PHÌ VÀ BỆNH LÝ TIM MẠCH

Tác giả: BS Võ Từ Nhất

Béo phì là gì?

Béo phì là tình trạng lượng mỡ trong cơ thể bạn quá dư thừa (khi đối chiếu với chiều cao của bạn), đặc biệt phần mỡ vùng ngực và eo, chúng có thể dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh tật như bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Tại sao bạn bị béo phì?

Thức ăn cung cấp cho bạn năng lượng dưới dạng calo, giúp cơ thể bạn hoạt động hằng ngày. Để duy trì có một cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, lượng calo mà bạn nạp vào phải bằng với lượng calo mà cơ thể tiêu hao qua hoạt động hằng ngày. Nếu lượng calo nạp vào dư thừa ngày qua ngày chúng sẽ tích lũy dưới dạng mỡ trong cơ thể.

Bạn có biết béo phì là đại dịch trên thế giới hiện nay?

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2015 có khoảng 700 triệu người trưởng thành mắc béo phì trên toàn thế giới. Béo phì có thể gây ra 4 triệu ca tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành thừa cân, béo phì năm 2015 là 15,6 % cao gấp 2,5 lần so với năm 2005, tỷ lệ người béo phì tăng gấp 4 lần và xu hướng thừa cân, béo phì ở nữ cao hơn ở nam.

Béo phì được chẩn đoán như thế nào?

Chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) tính theo công thức:

BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]

Trong đó:

Đơn vị thường dùng của BMI là kg/m2, cân nặng là kilogram (kg), chiều cao là mét (m).

BMI lý tưởng của người Việt Nam là từ 18,5 đến 22,9. Dấu hiệu thừa cân xảy ra khi BMI của bạn lớn hơn 23 và nếu con số đó vượt trên 25, bạn đang béo phì.

Chu vi vòng eo là một chỉ số quang trọng khác để đo lường mức độ thừa cân. Ở nam vòng eo > 94 cm, ở nữ vòng eo > 80 cm được cho là có nhiều nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư.

Béo phì có làm giảm tuổi thọ?

Sự thật là một người bị béo phì càng lâu thì tuổi thọ càng ngắn. Các chuyên gia ước tính một người đàn ông 40 tuổi béo phì và không hút thuốc, tuổi thọ rút ngắn 5.8 năm, nếu hút thuốc 6.7 năm. Một phụ nữ lần lượt là 7.1 năm và 7.2 năm.

Béo phì “phá hoại” đến hệ tim mạch của bạn ra sao ?

Béo phì làm tăng tỉ lệ mắc bệnh tim mạch và tăng tỉ lệ tử vong do tim mạch. Khi một người bị béo phì, mô mỡ tích lũy quá mức sẽ gây ra một loạt các thay đổi và thích ứng trong hệ tim mạch, thật không may những thay đổi này là xấu. Để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất tăng lên, lượng máu lưu thông, thể tích huyết tương và cung lượng tim đều tăng. Sự gia tăng này dần dần sẽ gây tăng huyết áp và đồng thời gây tăng áp lực lên các thành tim. Hậu quả gây phì đại thất trái, rối loạn chức năng tâm thương thất trái và có thể tiến triển thành suy tim.

Mặt khác, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, các bệnh phổi mạn tính tăng cao ở người béo phì, các bệnh này cũng góp phần làm thay đổi cấu trúc và chức năng tim, tăng tốc độ xơ vữa mạch vành. Béo phì cũng được chứng minh tăng các biến cố thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (là tình trạng xuất hiện các cục máu đông ở tĩnh mạch chân, có thể dẫn đến thuyên tắc phổi gây tử vong).

Ngoài tim mạch, béo phì còn ảnh hưởng các cơ quan khác?

 Thần kinh: tăng nguy cơ đột quỵ..

 Tiêu hóa: tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày- thực quản, gan nhiễm mỡ không do rượu, sỏi mật và viêm tụy.

 Nội tiết: đái tháo đường type 2, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

 Cơ xương khớp: thoái hóa khớp.

 Ung thư: tăng nguy cơ ung thư vú, tử cung, thực quản, tụy, gan, đại tràng.

Giảm cân có giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện các bệnh kể trên?

Câu trả lời: CÓ. Giảm cân có thể cải thiện sức khỏe đáng kể.

Khi bạn giảm được hơn 50% của phần cân nặng thừa thì bạn giảm được nguy cơ chết do bệnh tim mạch 56%, bệnh đái tháo đường 92%, bệnh ung thư 60%.

Bạn cho rằng mình béo phì và sẵn sàng giảm cân?

Bước 1 :

• Đầu tiên tìm hiểu xem bạn bị béo phì hay không, và ở mức độ nào. Tính BMI và đo vòng eo của bạn khá nhanh chóng và dễ dàng.
• Giảm cân có thể khó khăn và mất thời gian, nhưng với một sức mạnh ý chí và nỗ lực bạn có thể cải thiện sức khỏe của bạn rõ rệt (và cả vóc dáng nữa).

Bước tiếp theo:

• Ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất giúp bạn giảm cân. Nó không hẳn là loại bỏ các loại thức ăn bạn yêu thích, chỉ là điều chỉnh khẩu phần hợp lý.
• Thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì nâu, ngũ cốc, mì ống, khoai tây, gạo nên được ăn trong mỗi bữa.
• Không nên bỏ bữa để giảm cân vì cuối cùng bạn chỉ ăn vặt nhiều hơn và ăn toàn thức ăn vỗ béo như đồ ngọt, bánh quy, khoai tây chiên.
• Những thực phẩm giàu chất béo và đường như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, pizza, bơ, socola… bạn nên ăn thật ít, ít hơn 2 lần mỗi ngày.
• Bia, rượu và các loại đồ uống có cồn đều chứa nhiều calo, nên bạn tiêu thụ trong chừng mực
• Một cách nhanh chóng là bạn cân bằng thói quen ăn uống dựa vào tháp dinh dưỡng.

Hoạt động thể lực và tập luyện thể dục, thể thao?

Hoạt động thể lực và tập luyện thể dục là vô cùng cần thiết để giảm cân vì nó đốt cháy một lượng lớn calo, giúp bạn loại bỏ lượng mỡ dư thừa. Bạn nên dành 30-45 phút hoạt động thể lực hằng ngày, có thể tăng dần đến 60 phút. Bạn không phải tập tất cả các bài tập trong một lần mà có thể chia ra những bài mỗi 15 phút rải đều trong ngày. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có ý định tập những bài tập nặng, đặc biệt nếu bạn có vấn đề tim mạch hoặc cơ xương khớp .

Bạn không cần phải tốn nhiều tiền đến một phòng gym đắt tiền để tập luyện. Có rất nhiều hoạt động hằng ngày hoặc bài tập đơn giản giúp giảm cân

• Hoạt động hằng ngày như quét lá cây, đi bộ, đẩy xe đẩy, làm vườn, lau nhà cửa,… trong 30-45 phút
• Hoạt động thể thao như chạy, bơi sải, nhảy dây, đi xe đạp, chơi bóng rổ 15 – 30 phút.

Một số phương pháp điều trị khác

Nếu như chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực không có hiệu quả trong việc giảm cân. Bác sĩ có thể thảo luận với bạn các phương pháp khác như điều trị bằng thuốc, phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc: được xem như là biện pháp bổ sung cho chương trình điều trị thay đổi khẩu phần ăn và hoạt động thể lực mà không phải là biện pháp thay thế hoàn toàn. Chỉ có 2 loại thuốc được chấp thuận điều trị kéo dài là orlistat và sibutramin. Sibutramin bị chống chỉ định ở bệnh nhân có sẵn bệnh lý tim mạch.

Điều trị phẫu thuật : phẫu thuật nối thông dạ dày kiểu Roux-en-Y thông dụng nhất hiện nay, ngoài ra còn có phẫu thuật tạo hình thắt đai dạ dày, phẫu thuật lấy mỡ. Chi phí phẫu thuật thường đắt đỏ và có nhiều biến chứng.

Tham khảo và dịch từ các nguồn:

Royal College of Surgeons in Ireland
http://www.rcsi.ie/…/s…/20100929104817_Obesity%20leaflet.pdf
https://patient.info/health/obesity-overweight
https://vi.wikipedia.org/wiki/Béo_phì
Obesity and Cardiovascular Disease: Pathophysiology, Evaluation
https://www.ahajournals.org/…/10.…/circulationaha.106.171016
Washington manual endocrinology 2E

Ảnh: Internet.

Leave a Reply

Your email address will not be published.