Vị trí điện cực thất trái và nguy cơ loạn nhịp thất trong thử nghiệm MADIT-CRT
15/10/2012
Tác giả: Kutyifa V, Zareba W, McNitt S, et al.
Trích từ Eur Heart J 2012;Oct 10
Đặt vấn đề: Liệu vị trí đặt điện cực thất trái có ảnh hưởng đến loạn nhịp nhanh thất/rung thất trong điều trị tái đồng bộ cơ tim (CRT) hay không?
Phương pháp: Phân tích hồi cứu 797 bệnh nhân được đặt máy khử rung cấy được (ICD) có CRT để ngăn ngừa tiên phát đột tử. Tất cả bệnh nhân có suy tim theo Hội Tim New York độ I-II, phân xuất tống máu < 30%, QRS rộng > 130ms. Vị trí điện cực thất trái được đánh giá dựa vào chụp tĩnh mạch vành tim và phim X-quang. Tiêu chí chính là cơn đầu tiên xuất hiện nhanh thất/rung thất hoặc tử vong trong thời gian theo dõi trung bình 30,6 tháng.
Kết quả: Điện cực thất trái đặt ở mỏm trong 14% bệnh nhân, thành trước ở 18% bệnh nhân, thành bên ở 56% bệnh nhân và thành sau ở 12% bệnh nhân. Nguy cơ nhanh thất/rung thất đối với vị trí thành bên và sau thấp hơn 43% so với vị trí thành trước thất trái. Nguy cơ nhanh thất/rung thất ở vị trí thành trước tương đương với nhóm bệnh nhân được đặt ICD mà không có CRT. Tỉ lệ tử vong không khác biệt ở nhóm có điện cực thất trái ở thành sau và nhóm có điện cực thất trái ở thành trước.
Kết luận: So với vị trí điện cực thất trái ở thành trước thì vị trí điện cực thất trái ở thành sau giảm được nguy cơ nhanh thất/rung thất ở bệnh nhân được đặt CRT.
Bàn luận: Một vài nghiên cứu trước đây báo cáo rằng điều trị tái đồng bộ cơ tim có khả năng gây tăng nguy cơ nhanh thất/rung thất, nhiều khả năng do mất sự đồng nhất trong tái cực do tạo nhịp ở thượng tâm mạc. Tuy nhiên những nghiên cứu khác lại cho thấy CRT có khả năng chống loạn nhịp do đảo ngược tiến trình tái cấu trúc cơ tim. Kết quả của nghiên cứu này khẳng định thêm rằng không có bằng chứng sinh loạn nhịp của điều trị tái đồng bộ cơ tim.