Tài xế ô tô đột quỵ tăng nhanh
Trong thời gian vừa qua ở các hội nhóm cộng đồng mạng xã hội về Ô tô, các vụ tài xế đột quỵ trong khi đang lái ô tô hay xe tải liên tiếp được ghi nhận khiến nhiều người lo ngại. Ít ai biết rằng, nghề tài xế – đặc biệt là tài xế đường dài – tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ do đặc thù công việc.
Vậy vì sao tài xế có nguy cơ đột quỵ cao hơn các nhóm nghề khác và cần làm gì để phòng tránh?
- TỔNG ĐÀI CẤP CỨU 24/7 – BỆNH VIỆN TIM TÂM ĐỨC: (028) 38 733 025
Bài viết chi tiết từ ThS.BS. Nguyễn Huỳnh Quang Tín, Khoa Hồi sức Cấp cứu Nội tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức được Báo Tuổi Trẻ đăng tải đã giải thích những nguyên do, cảnh báo các dấu hiệu và những phương cách phòng tránh.
Tỷ lệ đột quỵ tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động
Việt Nam có tỷ lệ mắc đột quỵ thuộc hàng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, và xếp thứ 4 về tỷ lệ tử vong do đột quỵ trong số 11 quốc gia lân cận. Theo dữ liệu Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (GBD) 2019, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh tim mạch tại Việt Nam, chiếm 135.999 ca tử vong.
Tỷ lệ mắc đột quỵ là 222 ca trên 100.000 dân (khoảng tin cậy 95%: 206–242), và tỷ lệ hiện mắc là 1.541 ca trên 100.000 dân (1.430–1.679).
- Hà Nội: tỷ lệ mắc 168,9; tỷ lệ hiện mắc 1.182,2 trên 100.000 dân.
- TP. Hồ Chí Minh: tỷ lệ mắc 207,1; tỷ lệ hiện mắc 1.221,8 trên 100.000 dân.

Đột quỵ và yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi dòng máu đến một phần của não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc khi một mạch máu trong não bị vỡ. Trong cả hai trường hợp, một phần của não sẽ bị tổn thương hoặc chết.
Đột quỵ có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, tàn tật lâu dài hoặc thậm chí tử vong. [1]
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ
Yếu tố không thể thay đổi:
- Tuổi cao: Nguy cơ tăng dần theo tuổi, đặc biệt sau 55 tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn; nữ tăng nguy cơ sau mãn kinh.
- Chủng tộc/dân tộc: Người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, và các nhóm thiểu số khác có nguy cơ cao hơn. (1)
- Tiền sử gia đình: Có người thân bị đột quỵ hoặc bệnh tim mạch.
Yếu tố có thể thay đổi:
- Tăng huyết áp (nguy cơ hàng đầu).
- Rối loạn nhịp tim (đặc biệt rung nhĩ). (Xem thêm: Loạn nhịp tim: Rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, suy tim)
- Tiểu đường (tăng nguy cơ xơ vữa).
- Rối loạn lipid máu (cholesterol cao).
- Hút thuốc lá (tăng hình thành huyết khối, xơ vữa).
- Chế độ ăn không lành mạnh (nhiều mỡ, ít rau quả).
- Thiếu vận động (tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim).
- Béo phì (liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác).
- Lạm dụng rượu (gây tăng huyết áp và tổn hại tim mạch).
- Yếu tố tâm lý – xã hội (stress, trầm cảm, mất ngủ).
- Bệnh lý khác (viêm mạn tính, ung thư, bệnh mạn tính khác).
Ai dễ bị đột quỵ?
Theo một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người làm việc trong các ngành nghề sau có nguy cơ đột quỵ cao hơn:
- Bảo vệ: nguy cơ tăng 2,35 lần (RR: 2,35; khoảng tin cậy 95%: 1,11–4,97)
- Đầu bếp: nguy cơ tăng 1,51 lần (RR: 1,51; 95% CI: 1,05–2,19)
- Tài xế: nguy cơ tăng 1,30 lần (RR: 1,30; 95% CI: 1,00–1,69)

Vì sao tài xế có nguy cơ đột quỵ cao?
Tài xế là nhóm nghề nghiệp phải làm việc trong môi trường căng thẳng, yêu cầu sự tập trung cao độ, thường xuyên làm việc theo giờ giấc bất thường và thiếu ngủ — tất cả đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, tài xế đường dài thường phải đối mặt với hàng loạt yếu tố nguy cơ sau:
- Thiếu vận động thể chất: Ngồi lái xe nhiều giờ liên tục khiến tuần hoàn máu kém.
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Ăn nhanh, ăn mặn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn – dễ gây tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
- Căng thẳng kéo dài và rối loạn giấc ngủ: Áp lực công việc, ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến tim mạch và hệ sức khỏe.
- Hút thuốc lá, lạm dụng cà phê và rượu, bia: Các thói quen này làm tăng huyết áp, nguy cơ rối loạn nhịp tim và xơ vữa mạch máu.
- Không kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nhiều tài xế không được tầm soát huyết áp, đường huyết định kỳ – dễ bỏ sót các bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch.

Tài xế cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ khi đang lái xe?
Một số phương thức phòng ngừa, bao gồm:
- Ăn uống lành mạnh: Ưu tiên cơm tự chuẩn bị, rau luộc, canh; Hạn chế đồ chiên xào, mặn, nước tăng lực, cà phê, rượu bia.
- Tăng vận động: Nghỉ 5–10 phút mỗi 2–3 tiếng lái xe để đi bộ, duỗi cơ.
- Cai thuốc lá, hạn chế chất kích thích: Giảm dần số lượng thuốc lá, dùng kẹo/miếng dán nicotine, nhờ hỗ trợ y tế.
- Ngủ đủ và đúng giờ: Tránh lái đêm kéo dài; Kiểm tra hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu có ngủ ngáy, mệt mỏi ban ngày.
- Giảm căng thẳng: Nghe nhạc nhẹ, hít thở sâu, trò chuyện với người thân/kỹ thuật viên tâm lý.
- Khám sức khỏe định kỳ: Ít nhất 1 lần/năm (2 lần nếu có yếu tố nguy cơ như béo phì, tiền sử gia đình); Kiểm tra huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
TỔNG ĐÀI CẤP CỨU 24/7 – BỆNH VIỆN TIM TÂM ĐỨC: (028) 38 733 025
Dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ cần biết
- Tê hoặc yếu đột ngột ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.
- Lú lẫn đột ngột, khó nói hoặc khó hiểu lời nói.
- Rối loạn thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt.
- Khó đi lại đột ngột, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác kém.
- Đau đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
QUY TẮC F.A.S.T: Giúp nhận biết nhanh các triệu chứng đột quỵ>>> THAM KHẢO: Nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng và ứng phó Nhồi máu cơ tim và Đột quỵ F = Face Drooping (Méo mặt)
A = Arm Weakness (Yếu tay)
S = Speech Difficulty (Nói khó)
T = Time to call 115 (Thời điểm gọi cấp cứu)
TỔNG ĐÀI CẤP CỨU 24/7 – BỆNH VIỆN TIM TÂM ĐỨC: (028) 38 733 025
|
Người xung quanh cần làm gì nếu thấy tài xế có dấu hiệu đột quỵ?
NÊN LÀM
- Gọi cấp cứu ngay lập tức
- Sử dụng quy tắc F.A.S.T
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên nếu có dấu hiệu nuốt kém.
- Ghi nhớ thời điểm bắt đầu triệu chứng.
KHÔNG NÊN LÀM
- Không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thứ gì.
- Không tự ý dùng thuốc (hạ huyết áp, aspirin, hay thuốc dân gian).
- Không cố gắng đưa đi bệnh viện bằng phương tiện cá nhân nếu không thực sự cần thiết.
- Không chặn miệng bệnh nhân nếu họ co giật.
Giới Tài xế lưu ý
Đối với tài xế – nhóm nghề đặc biệt nhạy cảm với các rối loạn tim mạch – việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên và kiểm soát căng thẳng chính là “chìa khóa” để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Đừng để một cơn đột quỵ bất ngờ cướp đi sự an toàn trên vô lăng và tương lai của chính bạn cùng gia đình.
- Vì sao Đột quỵ tái phát nguy hiểm hơn lần đầu? Xem cách phòng tránh
- Sau cơn đột quỵ: Biến chứng lâu dài của đột quỵ cần biết
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.stroke.org
[2] Comprehensive analysis of stroke epidemiology in Vietnam: Insights from GBD 1990-2019 and RES-Q 2017-2023. Glob Epidemiol. 2025 Apr 10;9:100199.
[3] Duration of employment within occupations and incident stroke in a US general population cohort 45 years of age or older (REGARDS study). Am J Ind Med. 2023 Feb;66(2):142-154.
[4] Mayo Clinic – Stroke: First aid, Symptoms & Treatment
[5] AHA/Red Cross – 2024 First Aid Guidelines
Đặt lịch khám tầm soát sức khỏe tim mạch
ThS.BS Nguyễn Huỳnh Quang Tín hiện là bác sĩ tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nội tim mạch – Bệnh viện Tim Tâm Đức.
Với nền tảng đào tạo chuyên sâu về Nội khoa, Nội tim mạch và kinh nghiệm cấp cứu thực tiễn tại nhiều bệnh viện lớn, bác sĩ Quang Tín có thế mạnh trong xử trí các bệnh lý tim mạch cấp, hồi sức nội khoa và tầm soát nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ Quang Tín là thành viên của Hội Tim mạch Việt Nam và Hội Tim mạch TP.HCM.
Leave a Reply