Nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng và ứng phó Nhồi máu cơ tim và Đột quỵ

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Trong các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ não cấp là hai nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Nhồi máu cơ tim và Đột quỵ: các dấu hiệu nhận biết và điều trị

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam ước tính có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh lý tim mạch, cao hơn số tử vong do bệnh lý ung thư, và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đáng chú ý, tỉ lệ mới mắc các bệnh lý tim mạch tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.

Theo BS. CKI. Lê Thị Huyền Trang – Phó Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nội Tim Mạch – Bệnh viện Tim Tâm Đức, cả hai tình trạng bệnh lý nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều là hậu quả của tổn thương trên mạch máu, cụ thể là động mạch, cần phải được chăm sóc y tế, phát hiện chẩn đoán sớm và kịp thời để tránh biến chứng dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng về sau.

Đối với những trường hợp điển hình, triệu chứng của hai bệnh lý khá khác biệt, tuy nhiên trong những tình huống nặng, diễn tiến đột ngột, nguy kịch thì triệu chứng và ảnh hưởng có thể giống nhau, gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và xử trí ban đầu.

BS. CKI. Lê Thị Huyền Trang, Phó Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nội Tim Mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức

Nội dung được BS. CKI. Lê Thị Huyền Trang – Phó Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nội Tim Mạch – Bệnh viện Tim Tâm Đức chia sẻ. Các bên ghi rõ nguồn khi sử dụng đăng lại.

Triệu chứng và Dấu hiệu nhận biết Nhồi máu cơ tim

Hầu hết các trường hợp nhồi máu cơ tim là hậu quả tổn thương tiến triển của động mạch vành (CAD – Coronary Artery Disease). Trong bệnh lý động mạch vành, những động mạch cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn từ mảng bám do chất béo tích tụ gọi là mảng xơ vữa. Khi các mảng xơ vữa bị vỡ ra, cục máu đông được hình thành và ngăn dòng máu chảy đến nuôi cơ tim. Cơ tim không được nhận đủ máu dưới chỗ động mạch vành bị tắc nghẽn sẽ bị tổn thương dẫn đến hoại tử.

Nhồi máu cơ tim

Tình trạng trên biểu hiện bằng những triệu chứng:

  • Đau ngực hoặc cơn thắt ngực, thường lệch trái hoặc giữa ngực, sâu bên trong, cảm giác đè ép hay bóp chặt.
  • Đau vai và cánh tay đột ngột không giải thích được, có thể lan lên cổ, hàm dưới.
  • Khó thở.
  • Chóng mặt, nôn, khó chịu vùng thượng vị.
  • Nặng nhất, người bệnh có thể đột ngột bất tỉnh, ngừng tim, ngừng thở.
Đau ngực hoặc cơn thắt ngực có nguy cơ nhồi máu cơ tim
Cần lưu ý các cơn đau ngực hoặc cơn thắt ngực

Triệu chứng và Dấu hiệu nhận biết đột quỵ hay tai biến mạch máu não

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu ra các mô xung quanh, hoặc khi có cục máu đông hoặc mảng xơ vữa mạch máu gây tắc nghẽn, ngăn cản máu lưu thông lên não. Vỡ mạch máu hay tắc nghẽn mạch máu đều có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu đến nuôi phần não sau chỗ động mạch bị tắt hoặc vỡ, gây ra hiện tượng rối loạn chức năng thần kinh, bao gồm như:

  • Đột ngột chóng mặt hoặc mất thăng bằng, đi lại hay phối hợp cơ thể khó khăn.
  • Cảm thấy yếu hoặc tê ở chân tay hoặc mặt ở một bên cơ thể.
  • Đau đầu dữ dội, có thể kèm nôn ói.
  • Mờ một hoặc cả hai mắt.
  • Nói khó, lời nói lắp bắp hoặc bị ngọng.
  • Khó khăn trong hiểu ý người khác.

[ ĐỌC BÀI VIẾT: Dấu hiệu nhận biết đột quỵ ]

đột quỵ hay tai biến mạch máu não
Cần nhân biết các triệu chứng và dấu hiệu của đột quỵ hay tai biến mạch máu não để ứng phó kịp thời

Điều trị nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Điều trị nhồi máu cơ tim cấp

Cần tái thông dòng chảy tắc nghẽn càng sớm càng tốt và điều trị ổn định các bệnh lý nền. Tuy nhiên ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, việc tái thông mạch được thực hiện bằng cách nong chỗ tắc hẹp và đặt dụng cụ giá đỡ gọi là stent, hút huyết khối trong một số trường hợp cần thiết. Một số trường hợp hiếm gặp hơn người bệnh có thể cần phẫu thuật bắc cầu mạch vành cấp cứu nếu tắc nghẽn nhiều nhánh và giải phẫu động mạch vành không phù hợp cho đặt stent.

Hình ảnh can thiệp stent động mạch vành
Hình ảnh can thiệp stent động mạch vành

Sau điều trị nhồi máu cơ tim cần làm gì?

Người bệnh sau điều trị cấp cứu, sẽ cần được dùng thuốc duy trì sau đó với những phác đồ đặc hiệu: bệnh nhồi máu cơ tim cấp cần dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu kéo dài ít nhất 12 tháng sau can thiệp nếu không có chống chỉ định và có thể kéo dài thêm nhiều năm sau đó.

Điều trị – Cấp cứu đột quỵ não

Đối với đột quỵ não thì nguyên nhân nhồi máu hay xuất huyết sẽ khác nhau trong phương pháp điều trị. Theo BS. CKI. Lê Thị Huyền Trang, Phó Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nội Tim Mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức, cụ thể:

  • Nếu trên hình ảnh học ghi nhận người bệnh bị nhồi máu não do tắc nghẽn động mạch não thì ngay lập tức cần được tái thông bằng cách dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ, hiếm trường hợp cần can thiệp stent động mạch não trong giai đoạn này.
  • Nếu người bệnh bị xuất huyết não thì việc điều trị chủ yếu ổn định huyết áp, tìm điều trị nguyên nhân chảy máu nếu được: máu loãng liên quan đến thuốc, huyết áp cao chưa kiểm soát hay dị dạng túi phình mạch não cần được phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch sau đó.

Đối với đột quỵ nhồi máu não cấp thì việc dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu sau đó thời gian ngắn hơn và việc duy trì kéo dài cần cân nhắc nhiều tùy theo nguyên nhân và nguy cơ, lợi ích cân bằng giữa biến cố nhồi máu não tái phát với nguy cơ xuất huyết não.

[ XEM VIDEO HIỂU VỀ RUNG NHĨ & NGUY CƠ ĐỘT QUỴ – BS. CKI. Đỗ Văn Bửu Đan ]

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim và đột quỵ như thế nào?

Để chẩn đoán xác định và phân biệt nhồi máu cơ tim và đột quỵ thì phần hỏi triệu chứng khởi phát và yếu tố thúc đẩy đóng vai trò vô cùng quan trọng và gần như có thể quyết định đến hướng chẩn đoán cũng như đánh giá độ nặng của bệnh, từ đó đưa ra hướng xử trí sớm và thích hợp cho người bệnh.

Ngoài ra cũng cần một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cần thiết cần làm ngay giúp chẩn đoán xác định cũng như mức độ nặng, tiên lượng của bệnh lý:

  • Chẩn đoán Nhồi máu cơ tim: đo điện tâm đồ; siêu âm tim; xét nghiệm máu đo men tim…
  • Chẩn đoán Đột quỵ: làm CT scan hay MRI sọ não; đo điện tâm đồ giúp phát hiện rung nhĩ là yếu tố nguy cơ tạo huyết khối thuyên tắc động mạch não; xét nghiệm rối loạn đông máu giúp chẩn đoán tình trạng xuất huyết não do rối loạn đông máu.

Các yếu tố dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ cùng được phân vào nhóm bệnh lý tim mạch nên các yếu tố nguy cơ cũng khá tương đồng với nhau:

  1. Hút thuốc lá.
  2. Chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa (trans fat), chất béo bão hòa, cholesterol, muối, đường.
  3. Uống nhiều rượu bia.
  4. Ít vận động.
  5. Tiểu đường.
  6. Tăng huyết áp.
  7. Tăng cholesterol máu.
  8. Thừa cân và béo phì.
Các loại thức ăn làm tăng cholesterol máu, dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não
Các loại thức ăn nhanh dễ làm tăng cholesterol máu

Việc chủ động phòng ngừa nhồi máu cơ tim hay đột quỵ là cần thiết với duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ tim mạch:

  1. Không hút thuốc lá
  2. Hạn chế bia rượu
  3. Tập luyện thể dục đều đặn
  4. Giảm ăn thức ăn nhiều chất béo, giảm ăn mặn
  5. Khám kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng và các xét nghiệm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ: ECG phát hiện dấu hiệu thiếu máu cơ tim, loạn nhịp; siêu âm tim; xét nghiệm mỡ máu, đường huyết, huyết áp cao… để phòng ngừa biến cố tim mạch.
Thừa cân và béo phì dễ dẫn đến đột quỵ
Thừa cân và béo phì, ít vận động tạo ra nguy cơ bệnh lý tim mạch

 

Cần biết về Nhồi máu cơ tim và Đột quỵ

Đột quỵ là một biểu hiện của hai bệnh lý khác nhau: Nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Khi tình trạng bệnh chưa nặng thì các biểu hiện khác nhau và có thể phân biệt được do tim hay do não. Nhưng nếu tình trạng nặng là ngưng tim, hôn mê, ngưng thở thì khó biết là nguyên nhân gì. Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh đưa đến tình trạng đột quỵ ở người trên 40 tuổi cần có kế hoạch kiểm tra sức khỏe và kiểm tra tim mạch định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tim mạch có thể đưa đến đột quỵ với các biến chứng nặng.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.