Ngày Thế giới Chống Đột quỵ 2024: cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ ngày càng cao

Ngày Chống Đột Quỵ

Năm 2020, Việt Nam có gần 160.000 người tử vong vì đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Thông thường cứ 3 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thì 2 người sẽ tử vong hoặc gặp các di chứng nặng cần người chăm sóc trong vòng 5 năm sau đột quỵ – Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Việt Nam thuộc nhóm những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất trên thế giới. Cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đã và sẽ bị đột quỵ. – GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam (Báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 27/10/2024)

Ngày Chống Đột Quỵ

Sống Khỏe Sống vui – Tránh xa Đột quỵ – Be #GreaterThan Stroke

Ngày 29/10 hằng năm là dịp để cả thế giới cùng nâng cao nhận thức về căn bệnh đột quỵ – một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và phục hồi nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời trong 3 giờ vàng.

Theo ThS BS CKI Huỳnh Thị Ngọc Huyền – Khoa Hồi sức cấp cứu nội tim mạch, đột quỵ não còn được gọi là tai biến mạch máu não. Bệnh xảy ra do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn đột ngột gây nhồi máu não hoặc bị phá vỡ gây xuất huyết não, hậu quả làm tế bào não bị thiếu máu nuôi, thiếu oxy cấp tính.

Nếu không được tái tưới máu kịp thời thì các tế bào não sẽ dần chết đi gây nên tàn tật vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.

Mặc dù trước đây đột quỵ thường được xem là bệnh lý của người cao tuổi nhưng những năm gần đây tần suất mắc bệnh ở người trẻ từ 18-45 tuổi tăng lên đáng kể, đây là nguyên nhân thứ 5 gây tàn tật cho người trẻ.

Có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi từ 15-49 và theo đó trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ thì người trẻ chiếm đến 6%. (Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) năm 2022)

Với thông điệp “Be #GreaterThan Stroke (Sống Khỏe Sống vui – Tránh xa Đột quỵ: mang ý nghĩa cổ vũ những bệnh nhân đột quỵ và nâng cao nhận thức với mọi người về đột quỵ), chiến dịch năm nay mong muốn truyền tải niềm hy vọng và khuyến khích mọi người hành động để vượt qua nỗi lo lắng về đột quỵ, phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ quá trình phục hồi của bệnh nhân.

Bệnh viện Tim Tâm Đức tận tâm điều trị – chăm sóc – hỗ trợ người bị đột quỵ

Là một bệnh viện chuyên khoa sâu trong lĩnh vực Tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc và hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng chống đột quỵ.

Bệnh viện hiện đang triển khai các chương trình tư vấn, khám sàng lọc nguy cơ đột quỵ và hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ. Đặc biệt, bệnh viện tiên phong tổ chức các chương trình tư vấn sức khỏe tim mạch hàng tháng, mang đến kiến thức và sự hỗ trợ thiết thực cho các bệnh nhân có nguy cơ cao.

Các chương trình này không chỉ giúp bệnh nhân có cái nhìn đúng đắn và đầy đủ về sức khỏe tim mạch của mình, mà còn trang bị các kiến thức phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với đột quỵ, mang lại hy vọng cho bệnh nhân và gia đình trong việc đối diện và vượt qua những trở ngại của căn bệnh này.

Thông qua Ngày Thế giới phòng chống Đột quỵ 29/10, Bệnh viện Tim Tâm Đức kêu gọi mỗi cá nhân chúng ta cùng hành động vì sức khỏe tim mạch của bản thân và gia đình. Việc nhận thức và chủ động phòng ngừa đột quỵ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, mà còn mang lại cuộc sống chất lượng và giảm thiểu gánh nặng cho gia đình.

Hãy cùng Bệnh viện Tim Tâm Đức lan tỏa thông điệp “Be #GreaterThan Stroke”, vì một cộng đồng khỏe mạnh và không còn lo âu về đột quỵ. Bệnh viện Tim Tâm Đức cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng trên hành trình này, đem đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu và những chương trình ý nghĩa vì tương lai “mạnh mẽ hơn đột quỵ”.

Hiểu về đột quỵ: nguyên nhân, dấu hiệu và các yếu tố nguy cơ

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu trong não bị tắc nghẽn (gọi là nhồi máu não) hoặc bị vỡ (gọi là xuất huyết não). Nhồi máu não chiếm đa số, 75% – 85% trường hợp đột quỵ nói chung. Nguyên nhân nhồi máu não do mạch máu não bị tắc nghẽn bởi mảng xơ vữa hoặc huyết khối tại chỗ hay từ nơi khác di chuyển đến.

Hậu quả của đột quỵ là người bệnh có thể tử vong hoặc để lại di chứng tàn phế về sau như không đi đứng được, không nhai nuốt được, không nói được hoặc sống thực vật.

Ai có nguy cơ cao bị đột quỵ?

Yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh lý đột quỵ nói chung là tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa mạch máu. Những nguyên nhân này có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng chiếm đa số vẫn là người cao tuổi.

Mặt khác, nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ lại có chút khác biệt do sự đa dạng về lối sống và các thói quen hằng ngày. Theo ước tính gánh nặng toàn cầu về bệnh tật 2019 thì có đến 47% gánh nặng đột quỵ có liên quan đến các thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, tình trạng béo phì và đặc biệt là tỷ lệ này ngày càng gia tăng ở người trẻ.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ kể trên thì các bất thường bẩm sinh về tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ, bệnh lý huyết học gây tăng đông máu hoặc dị dạng mạch máu não mà không được khám và phát hiện sớm cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ gia tăng.

Sự phát triển bất thường mạch máu não như phình mạch máu não ban đầu thường không biểu hiện rõ về triệu chứng, đôi khi chỉ là một cơn đau đầu, nặng ngực thoáng qua khiến người trẻ chủ quan về sức khỏe. Về lâu dài, khối phình mạch máu phát triển lớn dần và vỡ gây xuất huyết não hoặc huyết khối hình thành từ rung nhĩ ở tim trôi lên mạch máu não gây thuyên tắc dẫn đến nhồi máu não.

Tại sao cần phát hiện và điều trị sớm đột quỵ?

Điều trị sớm đột quỵ có thể cứu được mạng sống và giảm thiểu tối đa di chứng sau đột quỵ. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm nhồi máu não trong vòng 3 giờ đầu (tối đa có thể 4.5 giờ) sẽ được điều trị chuyên biệt bằng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục huyết khối gây nghẽn mạch (Alteplase). Trong thời gian vàng này nếu tế bào não được cứu sống kịp thời sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng và ít để lại di chứng.

Hiện nay, ở thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều bệnh viện điều trị đột quỵ bằng phương pháp mới này. Do đó, khi phát hiện hay nghi ngờ có người bị đột quỵ hãy gọi ngay số cấp cứu 115 để được đưa đến bệnh viện chuyên khoa sớm nhất.

Triệu chứng đột quỵ ra sao?

Nhận diện nhanh triệu chứng F.A.S.T và ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

  • Face (mặt): Mặt bệnh nhân bị kéo lệch sang một bên, không cân đối, uống nước bị chảy sang một bên ra ngoài.
  • Arm (tay): Người bệnh đột ngột bị tê, yếu hoặc liệt một bên tay, chân, cử động khó khăn so với bên còn lại.
  • Speech (giọng nói): Người bệnh đột ngột nói khàn giọng, nói khó, phát âm không rõ hoặc nói nội dung không thích hợp.
  • Time (thời gian): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng phương tiện phù hợp.

Làm gì để phòng ngừa đột quỵ?

Phòng ngừa đột quỵ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của mỗi người mà còn làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều quan trọng là nhận thức được các yếu tố nguy cơ và thực hiện những thay đổi tích cực trong lối sống. Dưới đây là những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa đột quỵ:

  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là một trong những yếu tố hàng đầu gây đột quỵ. Hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế muối, và tập thể dục đều đặn.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và giảm lượng đường, chất béo bão hòa giúp bảo vệ hệ tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
  • Tập thể dục thường xuyên: Dành 30 phút mỗi ngày để vận động với các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, hoặc bơi lội sẽ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
  • Không hút thuốc và hạn chế rượu bia: Khói thuốc và cồn là những tác nhân nguy hiểm cho sức khỏe mạch máu và tim. Dừng ngay các thói quen này sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, việc thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và kiểm soát các yếu tố nguy cơ là điều cần thiết. Bệnh viện Tim Tâm Đức luôn đồng hành cùng bệnh nhân với các dịch vụ kiểm tra và tư vấn chuyên sâu về sức khỏe tim mạch, giúp phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các nguy cơ tiềm ẩn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.