Đằng sau vẻ ngoài khỏe mạnh của các vận động viên trẻ, đôi khi là những bất thường tim mạch tiềm ẩn – có thể dẫn đến đột tử, nhất là trong lúc thi đấu hoặc luyện tập cường độ cao.
Dù hiếm gặp, nhưng đột tử do tim ở người trẻ luôn gây chấn động, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và cộng đồng.
Bài viết dưới đây của BS.CKI. Lê Thị Huyền Trang – Phó Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu Nội Tim Mạch – Bệnh viện Tim Tâm Đức giúp bạn hiểu rõ những nguyên nhân, cách phát hiện sớm và các giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đặc biệt dành cho các bậc phụ huynh, huấn luyện viên và chính các bạn trẻ yêu thể thao.
- Bài viết được Báo Tuổi Trẻ đăng tải để cảnh báo đến cộng đồng sau một số vụ đột tử của người trẻ chơi thể thao và chạy bộ.
Đột tử do tim là gì?
Đột tử do tim (Sudden Cardiac Death – SCD) ở vận động viên trẻ là cái chết đột ngột do nguyên nhân tim mạch, thường xảy ra trong hoặc ngay sau khi vận động, thường ở những người dưới 35 tuổi.
Dù hiếm gặp (tỉ lệ dưới 1–3 ca trên 100.000 vận động viên), nhưng khi xảy ra, diễn tiến thường rất nhanh và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời bằng thiết bị y tế phù hợp hoặc có người biết sơ cứu.
- Tổng đài Hồi sức Cấp cứu Tim mạch 24/7: 1900 561 539
Nguyên nhân thường gặp gây đột tử ở vận động viên trẻ
1. Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy – HCM)
- Cơ tim dày lên bất thường, có thể di truyền, thường không được phát hiện nếu không khám chuyên sâu, thường dẫn đến loạn nhịp gây đột tử.
- Là nguyên nhân phổ biến nhất gây đột tử ở vận động viên trẻ tại Hoa Kỳ.
2. Bệnh cơ tim thất phải do loạn nhịp (Arrhythmogenic Right Ventricular Cardiomyopathy – ARVC)
- Bệnh di truyền, khiến cơ tim bị thay thế bằng mô xơ – mỡ, tăng nguy cơ loạn nhịp tim nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng.
- ARVC được ghi nhận phổ biến hơn tại châu Âu, với tỉ lệ mắc khoảng 1/5.000 người trong dân số chung. Riêng ở một số quốc gia như Đức, Ý, tỉ lệ này có thể lên tới 1/2.000. Khoảng 50% người bệnh có tiền căn gia đình.
3. Bất thường động mạch vành bẩm sinh
- Động mạch vành xuất phát hay đường đi bất thường gây thiếu máu cơ tim, đặc biệt khi gắng sức.
- Tỉ lệ mắc bệnh thay đổi từ 0.2% đến 5.6%. Mặc dù đa số không triệu chứng, nhưng được ghi nhận là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong đột ngột do tim ở vận động viên trẻ.
4. Hội chứng QT dài (Long QT syndrome)
- Rối loạn di truyền ảnh hưởng đến rối loạn hoạt động điện của tim
- Dễ gây loạn nhịp nguy hiểm
5. Chấn động tim (Commotio Cordis)
- Do va đập mạnh vào ngực (ví dụ trong bóng chày, hockey, lacrosse)
- Gây rung thất và đột tử tim dù không có bệnh lý
6. Viêm cơ tim (Myocarditis)
Do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất do virus, có thể gây suy giảm chức năng tim
7. Nguyên nhân khác
- Vỡ động mạch chủ (thường gặp ở người có hội chứng Marfan)
- Hội chứng Wolff – Parkinson – White
- Sử dụng thuốc kích thích hoặc doping
Chiến lược phát hiện & phòng ngừa đột tử do tim
Khuyến cáo chương trình khám sàng lọc trước khi tham gia thể thao (PPS – Preparticipation Screening)
Khám vào mỗi 2 năm để phát hiện sự tiến triển bệnh nếu có (ở những người có nguy cơ), được đề nghị từ nhiều hiệp hội y học và thể thao, như: Hiệp Hội Tim Mạch Châu Âu, Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, Uỷ Ban Olympic Quốc tế, Hiệp hội Y Học Thể Thao Hoa Kỳ. Những chương trình sàng lọc có thể giúp giảm đến 89% ca tử vong.
Khám lâm sàng và tiền sử bệnh: hỏi cẩn thận về
- Tiền sử gia đình có người đột tử hoặc bệnh tim
- Có triệu chứng ngất, đau ngực khi gắng sức
Điện tâm đồ (ECG)
- Phát hiện bất thường nhịp tim hoặc cấu trúc tim
Siêu âm tim
- Đánh giá cấu trúc tim
- Thường chỉ định khi ECG bất thường hoặc tiền sử gia đình có bệnh tim
Xét nghiệm di truyền
Dành cho các trường hợp có tiền sử gia đình hoặc triệu chứng nghi ngờ bệnh di truyền
Giáo dục và nâng cao nhận thức
- Tuyên truyền cho vận động viên, huấn luyện viên và phụ huynh về các dấu hiệu cảnh báo:
- Ngất khi vận động
- Động kinh không rõ nguyên nhân
- Đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực
Chuẩn bị ứng phó khẩn cấp đột tử do tim
Trang bị máy sốc tim tự động (Automated external defibrillator – AED) tại các sân thể thao: cần được trang bị ở tất cả các địa điểm thể thao vì tỉ lệ sống sót giảm 10% với mỗi phút nếu tim bị trì hoãn sốc điện phá rung.
- Tổng đài Hồi sức Cấp cứu Tim mạch 24/7: 1900 561 539
Huấn luyện hồi sinh tim phổi (Cardiopulmonary Resuscitation – CPR) và cách sử dụng máy AED cho học viên – giáo viên – huấn luyện viên.
Có kế hoạch xử lý khẩn cấp cho tất cả các địa điểm tập luyện, thi đấu.
Những công nghệ mới gần đây hỗ trợ trong việc phát hiện và theo dõi vấn đề tim mạch sớm: giám sát ECG trên điện thoại thông minh (đo ECG, phát hiện loạn nhịp và cảnh báo), thiết bị đo ECG không dây (thiết bị cầm tay di động) – giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí thay các thiết bị đo ECG truyền thống, tạo điều kiện cho việc sàng lọc quy mô lớn.
Bằng cách kết hợp chương trình sàng lọc, giáo dục và huấn luyện sơ cấp cứu, tỉ lệ tử vong do tim đột ngột ở các vận động viên có thể giảm đáng kể.
Kết luận
Đột tử do tim ở vận động viên trẻ là tình huống y khoa đặc biệt nguy hiểm nhưng có thể giảm thiểu nếu được sàng lọc đúng cách và trang bị kiến thức phòng ngừa.
Việc tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ, khai thác kỹ tiền sử gia đình, sử dụng các công nghệ giám sát tim hiện đại, cùng với việc phổ cập kỹ năng hồi sức tim phổi (CPR) và máy sốc tim tự động (AED) tại các điểm luyện tập, thi đấu thể thao – chính là chìa khóa để bảo vệ sự sống cho thế hệ trẻ năng động, khỏe mạnh.
“Thể thao giúp khoẻ mạnh – Phát hiện sớm – Cứu sống kịp thời”

Khám với Chuyên gia
BS.CKI Lê Thị Huyền Trang hiện là Phó khoa Hồi sức Cấp cứu Nội Tim mạch (USIC), Bệnh viện Tim Tâm Đức.
Bác sĩ Huyền Trang có nhiều năm kinh nghiệm điều trị các bệnh lý tim mạch cấp và phức tạp, đặc biệt chuyên sâu về hồi sức nội tim mạch và siêu âm tim. Bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM và từng tham gia đào tạo chuyên môn tại Viện Tim TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng thời là thành viên Hội Nhịp tim học TP.HCM và Hội Nội tiết Việt Nam.
- Mời xem Hồ sơ bác sĩ và Đặt lịch khám
Leave a Reply