Thư cảm ơn của bệnh nhân Nguyễn Văn Trị

Home / Công bố thông tin / Thư cảm ơn của bệnh nhân Nguyễn Văn Trị

Thư cảm ơn của bệnh nhân Nguyễn Văn Trị

     Kính gởi bác sỹ Nguyễn Huỳnh Khương,

Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu kiêm Phó khoa Can thiệp Mạch vành 

Xin bác sỹ cùng chuyển thư này của tôi đến các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của ê kíp thực hiện việc cấp cứu và thủ thuật đặt stent cho tôi vào sáng ngày 31/7/2014, khoa cấp cứu hồi sức, khoa bệnh lý mạch máu. Xin cám ơn những người đã giúp tôi có được cuộc sống sau cơn nhồi máu cơ tim cấp.  

 Từ bệnh nhân Nguyễn Văn Trị.

14:30 ngày 5-8-2014 , bệnh nhân Nguyễn Văn Trị được bác sỹ cho xuất viện sau 6 ngày điều trị chứng nhồi máu cơ tim cấp tại bệnh viện Tim Tâm Đức ở số 4 Nguyễn Lương Bằng, P. Tân phú, Q.7.

Lời muốn nói sau khi xuất viện về với vòng tay thương yêu của gia đình là sự tri ân của tôi cùng gia đình xin gởi đến:

– Thạc sỹ bác sỹ Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu kiêm Phó khoa Can thiệp Mạch vành Nguyễn Huỳnh Khương, người đã trực tiếp xử lý hút khối huyết đông gây tắc động mạch chính dẫn máu nuôi tim và đặt stent vào chỗ hẹp thành mạch do bị xơ vữa, cùng ê kíp y bác sỹ, kỹ thuật viên gây tê, chụp mạch vành với thao tác chính xác thuần thục đã giúp cho ca thủ thuật thành công mỹ mãn cứu sống bệnh nhân trong giờ vàng.

– Các bác sỹ và điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu đã nhanh nhẹn xử lý tình huống đầy tinh thần trách nhiệm; đặc biệt là người mà vợ tôi chưa kịp hỏi tên đã quyết định cho cô ấy thiếu tiền chụp mạch vành cũng như các thủ thuật y khoa khác mà nếu sau này bệnh nhân không đủ tiền đóng thì người đó phải tự bỏ tiền túi ra để trả cho bệnh viện( đây là điểm mà các bệnh viện VN thường gặp khó khi cấp cứu bệnh nhân khi phải giải quyết giữa tình người và tiền bạc).

– Các bác sỹ, điều dưỡng và y công của phòng ICU ( hồi sức tích cực) nơi tôi được đưa vào chăm sóc, theo dõi sau khi đặt stent với cả đống thiết bị, dây nhợ gắn vào người khiến tôi trở nên bất động trên giường trong 48 tiếng phó mặc cho các cô điều dưỡng nhiệt tình chăm sóc cho tôi cảm giác an tâm như em bé sơ sinh được mẹ bảo bọc.

– Và khoa cuối cùng trước khi xuất viện là khoa Bệnh lý Mạch Máu nơi tôi được làm các xét nghiệm toàn diện đảm bảo các bộ phận tim mạch ổn định trước khi bác sỹ cho về nhà, cũng là nơi thoải mái nhất trong thời gian nằm viện để tôi có thể sinh hoạt, tiếp thân nhân, bạn hữu và được xem như là thời gian nghỉ dưỡng đặc biệt trong 3 ngày cuối cùng ở bệnh viện.

Lời cám ơn cũng xin gởi đến:
– Lãnh đạo Tập đoàn THP, ban dự án và các phòng ban, các đồng nghiệp khối Mua hàng đã thường xuyên hỏi thăm và hỗ trợ để công việc của khối tôi phụ trách không bị ách tắc khi thiếu người chỉ huy.
– Quý thầy cô , các anh chị trong ban Liên lạc CHS Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị tại Sài Gòn, các tỉnh thành và nước ngoài cùng các anh chị em đồng môn đã gọi điện, gởi email, chia sẻ trên fb lời chúc lành cho tôi
– Các đồng nghiệp cũ của các công ty NewWorld Hotel Saigon, Kimberly-Clark, Prudential VN
– Bạn hữu trên các trang mạng xã hội tôi từng tham gia
– Người thân trong gia quyến lo lắng từng phút giây nghe tin dữ, bà con xóm giềng, phụ huynh của bạn các con tôi biết tin.
Tất cả đã chia sẻ, động viên gia đình nhỏ của chúng tôi bằng những lời cầu nguyện đến đấng Tối cao, lời chúc may mắn, chia sẻ kinh nghiệm của những ai đã trải qua giây phút hiểm nghèo.

Nhờ thời gian nằm viện tôi mới có cơ hội tìm hiểu về chứng nhồi máu cơ tim suýt nữa gây nên cuộc chia ly giữa tôi và người thân, nhất là hai đứa con đang độ tuổi cần bố bên cạnh để cung cấp nguồn lực, tư vấn cho chúng bước đường chọn lựa tương lai, và người bạn đời mà tôi luôn coi như là người yêu trung thành nhất của đời mình.

– Và có một người đặc biệt để bày tỏ lòng tri ân và nhân dịp này giới thiệu đến mọi người thành quả vĩ đại mà người này mang đến cho nhân loại trong đó có tôi và những ai nhận được ân huệ :
Đó là người phát minh ra STENT: phương pháp dùng ống cực nhỏ dẫn vào mạch máu để thổi quả bóng hút khối máu đông gây tắc đường dẫn máu nuôi tim và đặt stent để mở lớn đoạn mạch máu bị hẹp do xơ vữa: Bác sỹ Andreas Gruentzig, người Đức sinh năm 1939 tại Dresden, hành nghề và dạy trường Y tại Zurich, Thuỵ Sỹ. Chính năm 1976 Andreas đã thủ thuật thành công lần đầu cho 1 bệnh nhân tình nguyện thực nghiệm phương pháp thông luồn ống trong mạch máu để nong đọng mạch vành bị tắc nghẽn thay cho phương pháp truyền thống là phẫu thuật lồng ngực để nối ống bắc cầu tại chỗ bị nghẽn. Phương pháp mổ lồng ngực này gây biết bao đau đớn cho bệnh nhân và kéo dài thời gian nằm viện, phục hồi sức khoẻ sau đại phẫu, và có khi người bệnh chết ngay sau khi mỗ do kiệt sức, hoặc bị nhiễm trùng… Nay phát minh tưởng là đơn giản của Bác sỹ Andreas Gruentzig đã làm một cuộc đột phá thần diệu trong ngành xử lý một phần bệnh lý về tim mà không cần phẫu thuật! Chính đồng nghiệp trong hiệp hội Tim mạch Thuỵ Sỹ ban đầu còn phản bác phương pháp của ông và ông phải tìm đồng minh hỗ trợ cho mình từ hội tim mạch Hoa kỳ.

Ngày 27-10 năm 1985, một tai nạn phi cơ rơi tại vùng núi ở Georgia, Atlanta , Hoa Kỳ đã làm ông và người vợ cũng là bác sỹ nội trú ở Zurich bị tử vong. Một thiên tài trong nền y khoa hiện đại qua đời năm 46 tuổi, độ tuổi sung mãn nhất của sự cống hiến và sáng tạo. Ông được Thuỵ Sỹ xem là báu vật quốc gia (national treasury) với phát minh nay trở thành thông dụng trong lãnh vực y khoa điều trị tim mạch trên đa số quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Mọi người có thể vào trang web google, gõ tên Andreas Gruentzig, rồi đường link vào website scienceHeroes.com sẽ thấy con số người được phát minh của ông cứu sống đang nhảy theo từng đơn vị phút .
Thời điểm tôi viết đến lúc này là 21:28′ ngày 5-8 con số người được cứu sống là : 17,054,165 ( lives saved by Andreas Gruentzig) .
Đến 21:46′ số đã nhảy đến : 17,054,192; nghĩa là trong 18 phút, có 27 người được cứu sống nhờ Stent của Bs Andreas. Quả là một ân nhân lớn của nhân loại. ( bất ngờ hơn nữa khi được biết là viện tim VN chưa tham gia vào hệ thống đếm bệnh nhân được điều trị bởi phương pháp này!) .

Về nhà sau chuyến đi xa 6 ngày không hề dự tính, nhìn lại cây cảnh trong vườn vẫn màu xanh, giờ này những đứa con đi học chưa về, thoáng suy nghĩ về nhân sinh, tồn tại và không tồn tại. Tôi là ai, hiện hữu trên đời này để làm gì? Sự tồn tại của mình được đo bằng cách nào? 6 ngày qua, thử nghiệm về sinh tử từ chính bản thân mình khi đối diện với cảm giác hụt hẫng, bị chèn ép lồng ngực, hồi hộp, phập phồng,ngột ngạt, âu lo khi tim thiếu máu…Một loạt các thước phim về đời mình chiếu nhanh một cách tự phát khi nằm trên giường để bác sỹ cấp cứu: bao trách nhiệm chưa hoàn thành, bao điều chưa bày tỏ với người thân, rồi chuyện này chuyện nọ… Quá nhiều chuyện còn dang dở, có lẽ nào nhờ nợ đời còn nhiều nên tử thần tha mạng để trả cho hết, cho dứt điểm …trước khi thanh thản ra đi chăng?
Tôi tâm đắc với comment của một người anh trên fb : “Và con tim đó đã vui trở lại, cuộc đời vẫn đẹp sao”. Tháng này cũng là tháng sinh nhật của tôi, các con nói : “Ba trở thành hot man rồi đó.”.
Thật vậy chăng? Mà có vậy cũng xứng với những gì mình đã trải nghiệm, để thấy mình ít ra cũng được nhiều người quan tâm và yêu thương.

22:31 ngày 5-8-2014