Hướng Dẫn Vệ Sinh Khoa Phòng

HƯỚNG DẪN VỆ SINH KHOA PHÒNG

VẤN ĐỀ VỀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG BỆNH VIỆN:

– Vệ sinh môi trường kém là yếu tố gây nhiễm khuẩn bệnh viện.

– Vệ sinh môi trường kém là tình trạng phổ biến của y tế Việt nam.

– Nhân viên làm vệ  sinh chưa được đào tạo kiến thức cơ bản về vệ sinh bệnh viện nên thực hiện không đúng các quy trình (dùng một giẻ lau cho nhiều khu vực khác nhau nên dễ phát tán vi sinh vật trong bệnh viện, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo)

(Tiến sĩ Lý Ngọc Kính: Vụ trưởng Vụ Điều Trị Bộ Y Tế: mạng ngày 31/10/2007)

MỤC ĐÍCH VỆ SINH KHOA PHÒNG

– Duy trì một tình trạng vệ sinh môi trường sạch sẽ, thẩm mỹ, không có mùi hôi cũng như đảm bảo khử nhiễm trùng trong bệnh viện.

– Các bề mặt trong khoa phòng luôn trong tình trạng sạch sẽ cũng như khử khuẩn trong bệnh viện.

– Phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện.

– Phòng được bệnh tật cho nhân viên y tế (NVYT) và cộng đồng.

– Được người bệnh, khách và nhân viên chấp nhận và hài lòng.

LÀM SẠCH LÀ GÌ?

Làm sạch là qúa trình đào thải các vật lạ (đất, chất hữu cơ, vi sinh vật) khỏi một đồ vật.

KHỬ KHUẨN LÀ GÌ?

Khử khuẩn là quá trình làm giảm thiểu số lượng vi sinh vật gây bệnh trên dụng cụ tới mức không nguy hiểm tới sức khoẻ, qúa trình khử khuẩn không diệt bào tử vi trùng.

QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH KHOA PHÒNG:

– Mỗi bệnh viện, khoa, phòng cần lên lịch làm vệ sinh, nội dung thực hiện, các loại dung dịch khử khuẩn thích hợp cần xử dụng, tên nhân viên vệ sinh.

Lịch làm vệ sinh chung:

 Lau sàn nhà 2 lần/ngày và khi cần

Đánh cọ bồn rửa 2 lần/ngày và khi cần

Đánh cọ nhà tắm và nhà vệ sinh 4 lần/ngày và khi cần

Quét mạng nhện, cọ chân tường 1 lần/tuần

Khử khuẩn giường bệnh giữa 2 người bệnh.

 Vệ sinh bề mặt các thiết bị, phương tiện 1 lần/ngày và khi cần.

PHÂN LOẠI KHU VỰC VỆ SINH:

     – Khu vực sạch: Những nơi không liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc người bệnh, phòng không có người bệnh nằm (phòng hành chánh, phòng giao ban…)

     – Khu vực kém sạch: Những nơi liên quan trực tiếp đến các hoạt động chăm sóc người bệnh (phòng khám bệnh, thay băng, buồng bệnh…)

     – Khu vực nhiễm: Khu vực có nguy cơ nhiễm trùng cao (phòng vệ sinh, phòng thụt rửa, phòng để đồ bẩn…)

NGUYÊN TẮC LÀM VỆ SINH:

– NVYT khi thực hiện nhiệm vụ vệ sinh phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

– Làm riêng lẻ từng khu vực: Bắt đầu từ khu vực sạch -> kém sạch -> nhiễm

– Khi làm thì làm những phần từ trên cao -> xuống thấp, làm trong góc lần ra ngoài để tránh bỏ sót.

– Tránh sự di chuyển, lan tỏa vi sinh vật và bụi trong không khí (tránh làm tung bụi khi làm vệ sinh)

– Dụng cụ, nước làm vệ sinh dùng cho khu vực nào để riêng khu vực đó

– Rác từ khu vực này không được mang sang khu vực khác.

– Chọn giờ thực hiện thích hợp.

– Chia từng vùng làm vệ sinh để không ảnh hưởng đến đi lại, chặn biển báo “nguy cơ trượt ngã” trước khi lau sàn.

– Luôn lau khô sau khi đã lau ướt.

– Không làm ồn ào hoặc ảnh hưởng đến những khoa khác khi thực hiện vệ sinh.

– Tôn trọng sự ngăn nắp, thứ tự trong phòng bệnh.

– Dùng hoá chất khử khuẩn đúng theo quy định.

– Phương tiện, dụng cụ làm vệ sinh phải được xử lý đúng phương pháp Rửa tay đúng quy trình kỹ thuật sau khi làm vệ sinh.

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN VỆ SINH:

– Vệ sinh tức khắc: Thực hiện ngay sau khi chất bài tiết của bệnh nhân lan ra khỏi nơi quy định: nước tiểu, máu, phân đổ ra đất, giường…

– Vệ sinh hàng ngày: Theo kế hoạch vệ sinh của khoa phòng như vệ sinh giường, tủ, băng ca, vùng phụ cận của bệnh nhân…

– Tổng vệ sinh: Tổng vệ sinh hàng tuần hoặc hàng tháng

CÁC QUY TRÌNH VỆ SINH:

1. Vệ sinh sàn nhà:

Chuẩn bị:

 Nhân viên y tế:

  • Trang phục gọn gàng.
  • Mang bảo hộ theo quy định.

 Dụng cụ:

  • Chuẩn bị dụng cụ, hoá chất đầy đủ theo quy định (Chổi, xẻng hốt rác, mop lau chuyên biệt, bột cọ rửa, bàn chải…)
  • 01 xe đẩy chuyên dụng có 2 xô đỏ và xanh.

Các bước tiến hành:

– Đẩy xe ra buồng bệnh.

– Chào người bệnh và thân nhân người bệnh đồng thời giải thích công việc mình sắp làm để họ thông cảm và phối hợp (mời thân nhân người bệnh ra ngoài)

– Thu dọn nơi định lau, thu gom rác trước khi lau.

– Chia nơi định lau thành 2 hoặc nhiều khu vực, làm từng khu vực.

– Lau trong diện tích  30-40 m2 hay thay mop ngay khi dơ, mop đã lau bỏ tập trung vô bao để đem giặt tập trung và sử  dụng lại sau.

– Lau với dung dịch khử khuẩn (đưa mop theo một chiều lùi lại, không nhấc mop lên để tránh sót)

– Dùng bàn chải và bột cọ rửa đánh cọ sạch các góc nhà, chân tường…

– Lau cho tới khi sạch.

– Lau khô lại bằng mop sạch 2 lần.

– Đổ nước bẩn vào nơi quy định.

– Thu dọn dụng cụ, xử lý đúng và để vào nơi qui định.

Tổng vệ sinh: Làm sạch sàn bằng máy và hoá chất chuyên dụng.

2. Vệ sinh trần nhà, tường, cửa và các dụng cụ khác:

Chuẩn bị:

  Nhân viên y tế:

– Trang phục gọn gàng.

– Mang bảo hộ theo quy định

 Dụng cụ:

– Xà phòng, dung dịch khử khuẩn, nước , xô, chổi cán dài, thang leo, khăn lau, bàn chải…

Các bước tiến hành:

– Đem dụng cụ làm vệ sinh ra buồng bệnh.

– Chào người bệnh và thân nhân người bệnh đồng thời giải thích họ hiểu công việc mình sắp làm để họ thông cảm và phối hợp (mời thân nhân người bệnh ra ngoài)

– Chuyển người bệnh ra khỏi phòng trước khi tiến hành (đã thông qua lãnh đạo khoa phòng)

– Vệ sinh trần nhà và tường từ trên xuống dưới để loại bỏ bụi và màng nhện.

– Cọ sạch các vết bẩn trên tường đối với tường được sơn hoặc lót gạch men.

– Lau các dụng cụ như: đèn, quạt, cánh cửa ra vào, cửa sổ,.. bằng dung dịch sát khuẩn và lau khô, lau 1 lần/ 1 tuần và khi cần.

– Làm sạch kính bằng các thiết bị lau kính chuyên dùng.

– Đổ nước bẩn vào nơi quy định.

– Thu dọn dụng cụ, xử lý đúng, để vào nơi quy định.

3. Vệ sinh giường – bàn ghế:

Chuẩn bị:

 Nhân viên y tế:

– Trang phục gọn gàng.

– Mang bảo hộ theo quy định

 Dụng cụ:

Chuẩn bị dụng cụ, hoá chất đầy đủ theo quy định (dung dịch khử khuẩn, khăn lau, dụng cụ bảo hộ lao động…) trên xe đẩy chuyên dụng có 2 xô đỏ và xanh..

Các bước tiến hành:

Chào người bệnh và thân nhân người bệnh đồng thời giải thích họ hiểu công việc mình

sắp làm để họ thông cảm và phối hợp (mời thân nhân người bệnh ra ngoài)

+ Đối với giường, bàn, ghế dùng cho người bệnh không lây nhiễm:

– Lau sạch bụi bằng khăn ẩm.

– Lau, cọ bằng dung dịch sát khuẩn (chú ý lau sạch các vết bẩn)

– Lau đến khi sạch.

– Dùng khăn sạch lau khô.

+ Đối với giường, bàn, ghế dùng cho người bệnh lây nhiễm:

– Lau sạch bụi bằng khăn ẩm có dung dịch khử khuẩn với nồng độ cao.

– Lau đến khi sạch.

– Dùng khăn sạch lau khô.

– Có thể phơi nệm và ruột gối dưới nắng  trong 1 giờ hoặc dùng tia cực tím sau khi bệnh nhân ra viện

– Khử khuẩn ngay giường bệnh, tủ đầu giường, bàn ăn giữa 2 bệnh nhân.

4. Vệ sinh bồn rửa tay- phòng tắm- phòng vệ sinh:

– Chuẩn bị dụng cụ làm sạch, mang bảo hộ theo quy định.

– Gom rác, làm vệ sinh thùng rác, thay bao rác.

– Xả nước trong bồn cầu để làm ướt bề mặt.

– Dùng bình hoá chất bồn cầu (crew, dung dịch Javel hoặc Vim…) xịt vào bên trong bồn cầu, bệ ngồi, bồn rửa tay, trang thiết bị vệ sinh bằng sành sứ, để vài phút sau đó dùng bàn chải chà rửa bên trong bồn cầu, bệ ngồi, xả nước sạch, dùng khăn vắt ráo trong xô nhỏ màu đỏ lau sạch bồn rửa tay,  trang thiết bị vệ sinh (nếu quá bẩn thì nên dùng miếng xanh để chà)

– Dùng khăn trong xô đỏ lau các vách trong nhà vệ sinh, cửa kiếng. Dùng bình hóa chất lau kính xịt vào vết bẩn của cửa kiếng trước khi lau.

– Dùng cây lau (móp ướt) lau các bức tường cẩn gạch trong nhà vệ sinh, sau đó dùng móp khô lau lại cho bóng.

– Giặt gỉe lau, bàn chải, xô đúng quy định sau  khi xử dụng và phơi khô dưới nắng.

– Phòng tắm, nhà vệ sinh làm sạch 4 lần trong ngày và khi cần (giữ luôn khô, sạch và không mùi hôi).

– Xịt nước thơm (nếu cần).

5. Vệ sinh ngoại cảnh:

Chuẩn bị:

 Nhân viên y tế:

– Trang phục gọn gàng.

– Mang bảo hộ theo quy định

 Dụng cụ:

– Chổi, xẻng hốt rác, dụng cụ gắp rác.

– Túi ny lon đựng rác theo quy định.

– Thùng hoặc xô đựng rác.

– Xe chở rác.

Các bước tiến hành:

– Tiến hành thu gom rác và làm vệ sinh theo định kỳ.

– Không dùng tay trần để bốc hoặc nhặt rác.

– Dùng bao rác đúng theo mẫu theo quy định.

– Xử lý rác theo đúng quy định (tập trung vào nơi chứa rác để xử lý: đốt hoặc chôn).

6. Vệ sinh phòng mổ:

Vệ sinh và khử khuẩn ngay sau mỗi ca phẫu thuật.

– Có dụng cụ vệ sinh riêng cho phòng mổ.

– Không dùng chổi quét trong phòng mổ.

– Không cố định số lần lau nhà trong ngày: trung bình 4-5 lần hoặc lau khi bẩn bất kỳ.

– Khi có dính máu và dịch tiết: dùng khăn giấy thấm lau vết máu đổ (mang găng tay), bỏ giấy dơ vào bao vàng sau đó lau lại bằng dung dịch khử khuẩn.

Hạn chế ra vào khu vực phòng mổ. Không mặc đồng phục + mang dồ phòng mổ ra khỏi khu vực phòng mổ.

– Nhân viên ra vào phòng mổ cần thực hiện đúng nội quy phòng mổ.

– Thường xuyên bảo trì và làm vệ sinh hệ thống máy lạnh của phòng mổ.

– Dụng cụ và rác thải phải đi theo một chiều.

– Cọ rửa lavabo, nhà tắm, bồn rửa tay ngày 2 lần hoặc khi cần.

Vệ sinh sau ca mổ:

Bên trong phòng mổ:

– Thu dọn ra khỏi phòng (để riêng từng túi): rác y tế, áo mổ, khăn trải.

– Đổ rửa sạch các bình hút, thùng rác.

– Lau bằng dung dịch sát khuẩn bàn mổ, xe để dụng cụ, đèn mổ, ghế, máy đốt, máy hút, máy gây mê. Lau với dung dịch khử khuẩn, sau đó lau khô lại bằng khăn sạch.

– Lau nền nhà bằng dung dịch khử khuẩn.

– Sắp xếp ngăn nắp dụng cụ đúng nơi qui định.

– Tiếp tục ca mổ sau (nếu có) hay khóa cửa phòng mổ nếu không sử dụng.

Hành lang:

– Quét trần nhà, lau đèn.

– Hút bụi.

– Cọ rửa hành lang từng vùng, lau khô ngay.

– Lau tường men, cửa kính (mặt ngoài)

Nơi rửa tay phẫu thuật:

– Cọ rửa lavabo sạch sẽ bằng hoá chất khử khuẩn.

– Vệ sinh sàn nhà nơi rửa tay, lau khô ráo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Tài liệu Quản lý điều dưỡng – Bộ Y Tế – năm 2004

– Hướng dẫn quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn – khoa Chống nhiễm khuẩn bệnh viện Chợ Rẫy – năm 2006

Leave a Reply

Your email address will not be published.