HẠ ĐƯỜNG HUYẾT Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Tác giả: Khoa cấp cứu
Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết (hay còn gọi là hạ đường máu) được định nghĩa là khi glucose trong máu giảm dưới mức bình thường, thường xảy ra ở đa số bệnh nhân đái tháo đường khi mức đường máu đo được ≤ 70 mg/dl hoặc ≤ 3.9 mmol/l. Bạn nên nhớ rằng đây là một tình trạng cấp cứu, cần được điều trị ngay lập tức.
Nguyên nhân hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường là gì?
– Do thuốc: các thuốc điều trị đái tháo đường giúp làm giảm đường máu nhưng đôi khi có thể là nguyên nhân gây hạ đường máu quá mức, đặc biệt là khi bạn đang dùng Insulin, Gliclazide, Glimepiride.
– Do ăn uống: chế độ ăn của bạn thay đổi đáng kể so với thường ngày như ăn ít hơn, kiêng khem hay bỏ bữa ăn, ăn uống trễ hoặc thay đổi thức ăn khiến không đủ lượng đường – tinh bột cần thiết.
– Do hoạt động thể lực quá mức bình thường, khiến đường huyết bị tiêu thụ quá mức, gây nên hạ đường huyết.
– Do uống rượu quá nhiều kèm ăn ít.
Triệu chứng của hạ đường huyết là gì?
– Cảm giác mệt mỏi
– Đói bụng cồn cào
– Run hoặc yếu tay chân
– Da tái nhợt
– Vã mồ hôi
– Lo lắng, bồn chồn
– Tê ở lưỡi hoặc môi
– Hồi hộp, tim đập nhanh
– Choáng váng, hoa mắt, xây xẩm, tối sầm
– Đau đầu
– Lú lẫn hoặc vật vã kích thích quá mức
– Trường hợp nặng có thể mê man, mất ý thức hoặc xảy ra co giật, tử vong.
Triệu chứng hạ đường huyết có thể xảy ra khi bạn đang ngủ, điều này có thể nguy hiểm vì khiến bạn không nhận ra được các triệu chứng.
Hạ đường huyết nguy hiểm như thế nào ?
Khi hạ đường huyết xảy ra trong thời gian đủ lâu mà không điều trị có thể dẫn đến các nguy hiểm:
– Co giật
– Mất ý thức, hôn mê
– Tử vong
– Hạ đường huyết xảy ra lúc bạn đang hoạt động thường ngày, có thể là nguyên nhân của các tai nạn sinh hoạt thường ngày, té ngã hay tai nạn giao thông.
– Người bị hạ đường huyết nhiều lần làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch hơn so với người không bị biến chứng này.
Làm gì khi bị hạ đường huyết?
– Khi bạn đang sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường và nghĩ là mình có triệu chứng của hạ đường huyết, bạn nên ngay lập tức kiểm tra đường huyết của mình.
Nếu đường huyết của bạn ở mức thấp, nên uống một cốc nước đường hoặc sữa có đường, tiếp tục kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút. Nếu vẫn còn thấp thì tiếp tục uống thêm đường đến khi đường huyết về bình thường.
Cần thông báo cho Bác sĩ của bạn về biến chứng này để kịp thời tìm nguyên nhân và điều chỉnh thuốc hợp lý.
– Trong trường hợp hạ đường huyết và kèm mất ý thức (ngất xỉu), người bệnh cần được hỗ trợ ngay lập tức để đưa đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu, và nhớ rằng đừng cố gắng cho người đang ngất ăn hay uống thứ gì vì có thể gây tắc nghẽn đường thở do sặc thức ăn.
Làm thế nào để phòng ngừa hạ đường huyết xảy ra ?
– Bạn đang điều trị đái tháo đường, cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Nếu có bất cứ sự thay đổi nào về thuốc điều trị, chế độ ăn, hoạt động thể chất khác ngày thường, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và chú ý đến nguy cơ hạ đường huyết.
– Ăn uống đúng bữa, tránh bỏ bữa. Ăn 3 bữa chính và các bữa nhỏ giúp giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết.
– Uống thuốc đúng giờ và đúng thuốc, đúng liều lượng theo chỉ dẫn bác sĩ.
– Bạn nên có máy đo đường huyết tại nhà, có thể kiểm tra đường huyết khi cần.
– Cuối cùng, bạn nên nhớ rằng hạ đường huyết là một cấp cứu và bao giờ cũng nguy hiểm hơn tăng đường huyết, hãy để tâm đến nó.
Tham khảo:
https://www.webmd.com/diabetes/guide/diabetes-hypoglycemia#1
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20371525
Leave a Reply