Viêm Phổi Do Virus Corona
Bệnh viêm phổi do virus Corona ở Trung Quốc đang có dấu hiệu bùng phát lây lan mạnh ra các nước châu Á và vẫn chưa dừng lại. Bộ Y Tế mới đây đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và phòng ngừa loại bệnh này.
Virus Corona là gì?
Coronavirus là một loài của virus thuộc phân họ Coronavirinae trong gia đình Coronaviridae. Cái tên Coronavirus có nguồn gốc từ tiếng Latin, có nghĩa là vương miện, vì hình dạng của virus này khi soi dưới kính hiển vi giống như vương miện hoặc vành nhật hoa vậy.
Virus Corona có thể có mối quan hệ mật thiết với chủng virus gây bệnh SARS từng bùng phát vào năm 2002 khiến hơn 8000 lây nhiễm, gần 1000 người thiệt mạng. Nó còn liên quan tới hội chứng hô hấp vùng Trung Đông MERS gây tử vong cho hơn 800 người.
Loại Coronavirus mới được tìm thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc là một loài mới và chưa bao giờ được tìm thấy trước đây. WHO đã đặt tên cho chủng virus mới này cái tên là 2019-nCov.
Virus Corona lây lan như thế nào?
Ngoài loại virus Corona mới phát hiện này, đã có 6 loại Coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người. Hai loại trong số đó cực kỳ nguy hiểm, mức tác động và ảnh hưởng vượt xa các chủng loại virus Corona khác, đó chính là MERS – Cov và SARS – Cov. Còn 4 loại còn lại chỉ gây ra tình trạng viêm phổi và cảm cúm thông thường.
Các Coronavirus lây nhiễm qua các đường sau:
– Lây nhiễm qua đường không khí thông qua việc người mắc bệnh hắt hơi và ho.
– Tiếp xúc với người đang mang bệnh thông qua các cử chỉ thân mật như bắt tay, ôm hôn
– Chạm tay vào bề mặt của đồ vật có virus ở trên đó và vô tình chạm tay vào mũi, mắt, miệng mà không rửa tay sạch sẽ trước đó.
– Lây nhiễm qua đường phân, ô nhiễm phân, con đường này khá hiếm xảy ra.
Dấu hiệu nhiễm virus Corona ở người là gì?
Nếu như bạn đã từng đi du lịch tại các nước đã có người mắc bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, đặc biệt là Trung Quốc hoặc bạn đã tiếp xúc với người bệnh, động vật mắc bệnh trong vòng 14 ngày cần chú ý tới các triệu chứng bất thường của cơ thể.
Đối với các dạng Coronavirus thông thường ở người bao gồm 229E, NL63, OC43 và HKU1 thường gây ra các bệnh về hô hấp từ nhẹ đến trung bình, giống như bệnh cảm cúm vậy. Bất cứ ai đều có thể mắc và nhiễm các loại virus này trong hầu hết cuộc đời của họ. Tuy vậy căn bệnh chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, các triệu chứng điển hình bao gồm:
– Sổ mũi
– Ho
– Đau đầu
– Sốt nhẹ
– Đau, viêm họng
– Người mệt mỏi, mất sức
Các loại Coronavirus thông thường có thể gây ra các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản phổ biến ở những người già, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu.
Đối với hai dạng nguy hiểm nhất của virus Corona đó là MERS-Cov và SARS-Cov, cùng với đó là chủng virus mới 2019 – nCov sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng cho cơ thể khi mắc phải, bao gồm:
– Sốt cao 39, 40 độ kéo dài liên tục 1 – 2 ngày chưa dứt
– Ho liên tục, ho khan
– Khó thở
– Cơ thể ớn lạnh
– Choáng váng
– Đau nhức toàn thân
– Mệt mỏi, không còn sức lực
– Suy hô hấp dẫn đến tử vong
Những triệu chứng này phát triển mạnh thành viêm phổi cấp và có khả năng gây tử vong cho người mắc phải nếu không có hướng điều trị kịp thời.
Hướng điều trị bệnh viêm phổi Virus Corona theo Bộ Y Tế
1. Xử lý kịp thời
Khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu, triệu chứng nhiễm virus Corona, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và xét nghiệm kịp thời. Trong trường hợp người bệnh bị nhiễm virus sẽ tiến hành cách ly để theo dõi và xử lý, điều trị các triệu chứng. Bởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại virus mới này.
2. Kiểm soát tình trạng bệnh
Bệnh ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ được phát hiện và kiểm soát tình trạng suy hô hấp và hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ chức năng các cơ quan, truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc giảm ho, hạ sốt, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, đảm bảo dinh dưỡng.
3. Áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị
Kỹ thuật xác định chủng virus mới 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT – PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.
4. Bảo lưu mẫu máu để xét nghiệm
Trong trường hợp người mới bị nhiễm virus Corona, các đơn vị khám chữa bệnh sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y Tế cho phép khẳng định.
Cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona
1. Hạn chế nơi đông người
Bộ Y Tế khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường, nhất là tại những nơi tập trung đông dân cư, tại khu vực nghi ngờ có người nhiễm bệnh.
2. Giữ vệ sinh chung
Hạn chế tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng với người có triệu chứng của bệnh cảm như sốt, ho, sổ mũi, hoặc đau nhức.
Hạn chế tiếp xúc với người khác khi nghi ngờ bản thân đang bị mắc bệnh.
Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy, vứt giấy sau khi lau vào thùng rác có nắp đậy.
Luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi và chùi mũi.
Hạn chế dụi mắt mũi miệng khi tay bẩn.
Cách ho đúng để tránh lây bệnh hô hấp
Dùng khăn giấy che miệng và mũi, sau đó ho trực tiếp vào, không dùng tay che hoặc ho vào khuỷ tay
Nếu không che miệng, virus có thể đi xa hơn 3m
Nếu che miệng bằng tay, virus vẫn có thể len qua khe ngón tay
Nếu che bằng khuỷ tay, virus vẫn có thể đi xuống đất hoặc dính vào quần áo
3. Uống đủ nước và dinh dưỡng
Luôn uống đủ nước và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tránh để cơ thể suy yếu dễ có khả năng nhiễm bệnh.
4. Cảnh giác với động vật
Tránh tiếp xúc với động vật ở trong vùng bị nhiễm bệnh, các loại thịt động vật phải được xử lý kỹ và nấu chín mới được ăn.
5. Sinh hoạt lành mạnh
Sống lành mạnh, tập luyện thể thao, không hút thuốc lá, vệ sinh sạch sẽ khu vực mình đang sinh sống để không bị mắc bệnh.
6. Không tự ý chữa trị
Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm, khám chữa kịp thời. Không được tự ý mua thuốc về uống hoặc tự chữa trị tại nhà sẽ khiến bệnh có nguy cơ nặng hơn, bùng phát lây lan thành dịch.
Nguồn: Theo Bộ Y Tế và CDC
Leave a Reply