Tăng Áp Động Mạch Phổi

Home / Y hoc thuong thuc / Tăng Áp Động Mạch Phổi

TĂNG ÁP ĐỘNG MẠCH PHỔI

Tác giả: BS. Võ Từ Nhất

 

A. TĂNG ÁP PHỔI HAY TĂNG ÁP ĐỘNG MẠCH PHỔI LÀ GÌ?

Để hiểu tăng áp động mạch phổi là gì thì bạn cần biết dòng máu lưu chuyển qua tim thế nào.

Tim là một cơ quan rất quan trọng bảo tồn sự sống của cơ thể và hoạt động như 2 máy bơm. Phần bên trái của tim (gồm tâm nhĩ trái và tâm thất trái) nhận máu giàu oxy từ phổi về và bơm máu này vào hệ thống động mạch hệ thống để nuôi toàn bộ cơ thể. Tâm thất trái bơm máu đi khoảng cách xa nên tâm thất trái có cấu trúc cơ dày và khỏe, hiệu quả của sức bơm tâm thất trái có thể biết được qua huyết áp động mạch mà chúng ta đo được bằng máy đo huyết áp. Sau khi máu đã đưa oxy đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, máu nhận lại Carbonic và trở về tim bằng hệ thống tĩnh mạch, về tâm nhĩ phải và tâm thất phải để được bơm lên phổi qua động mạch phổi vào phế nang trao đổi Oxy.

Bình thường áp lực máu trong động mạch phổi thấp  1/3 áp lực của huyết áp động mạch, khi áp lực của động mạch phổi > 1/3 áp lực của huyết áp động mạch thì được gọi là tăng áp lực động mạch phổi.

Tăng áp lực động mạch phổi có hai loại nguyên phát và thứ phát. Tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát nguyên nhân do các mạch máu nhỏ của phổi bị thay đổi cấu trúc trở nên dày và cứng gây ra hẹp lòng mạch, tâm thất phải khi bơm máu lên phổi phải dung sức bóp mạnh hơn bình thường làm áp lực trong động mạch phổi tăng lên, lâu dần tâm thất phải cũng sẽ dầy lên. Tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát cho đến nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh diễn tiến chậm từ lúc nhỏ đến tuổi trưởng thành.

Tăng áp lực động mạch phổi thứ phát là diễn tiến của một bệnh lý tim bẩm sinh, một bệnh van tim, một bệnh cơ tim, bệnh thuyên tắc phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Tăng áp lực động mạch phổi thứ phát có thể được điều trị khỏi nếu người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh lý gây ra tăng áp lực động mạch phổi.

B. ĐIỀU GÌ XẢY RA NẾU BẠN BỊ TĂNG ÁP LỰC ĐMP?

Do máu bơm lên phổi để trao đổi Oxy bị cản trở nên người bệnh sẽ có triệu chứng nặng ngực, khó thở khi làm việc nhiều hoặc khi gắng sức, thiếu oxy có thể làm ngất khi gắng sức. Lâu dần có thể có dấu hiệu của suy tim phải (gan to, phù chân..).

C. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN TĂNG ÁP ĐMP?

Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi được dựa vào những triệu chứng của người bệnh như đã kể trên và dựa trên kết quả của siêu âm tim Doppler màu. Trong những trường hợp siêu âm đánh giá áp lực động mạch phổi tăng cao > 2/3 áp lực động mạch hệ thống, người bệnh cần được làm thông tim đo kháng lực mạch máu phổi để chẩn đoán mưc độ tăng áp động mạch phổi để có phương hướng điều trị thích hợp.

D. TĂNG ÁP ĐMP CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?

Tăng áp động mạch phổi thứ phát do các bệnh lý tim bẩm sinh và van tim nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì áp lực động mạch phổi sẽ trở về bình thường sau khi bệnh lý tim bẩm sinh hay bệnh van tim được phẫu thuật kịp thời.

Tăng áp động mạch phổi thứ phát do các nguyên nhân khác nếu được chẩn đoán xác định và điều trị đúng thì tình trạng tăng áp động mạch phổi sẽ ổn định và có thể giảm.

Tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, gần đây qua các nghiên cứu trên thế giới đã có những thuốc có tác dụng dãn mạch máu phổi và làm chậm tiến triển của áp lực động mạch phổi. Tuy nhiên vì bệnh diễn tiến chậm nên người bệnh có thể được điều trị bảo tồn và ổn định đến tuổi trưởng thành và vẫn có thể sinh hoạt làm việc được như những người bình thường khác.

Điều trị cuối cùng hiệu quả của những trường hợp tăng áp động mạch phổi nguyên phát là phẫu thuật ghép tim phổi.

Tài liệu tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Pulmonary_hypertension

https://www.thoracic.org/patients/patient-resources/resources/pulmonary-hypertension.pdf

https://foundation.chestnet.org/patient-education-resources/pah/

Nguồn hình ảnh: Internet

Leave a Reply

Your email address will not be published.