GIỚI THIỆU KHOA DINH DƯỠNG

Tại Việt Nam, bên cạnh bệnh thấp tim và các bệnh van tim do thấp còn chiếm khá cao, các bệnh lý mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngọai vi và phình động mạch chủ ngực, bụng đang trở thành nhóm bệnh chính gây tử vong.

Có nhiều yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch được xác định, nhưng phần lớn tập trung vào chế độ ăn và lối sống. Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm hút thuốc lá, thừa cân và béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường và lối sống ít vận động. Các yếu tố nguy cơ có khuynh hướng xuất hiện cùng nhau và tác động cộng hưởng. Những người có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng xuất hiện các biến cố tim mạch sẽ cao hơn nhiều. Những yếu tố nguy cơ này có thể thay đổi và kiểm soát được, như ngừng hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp, điều chỉnh rối mỡ máu, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… điều chỉnh chế độ ăn vẫn luôn là nền tảng trong việc phòng và điều trị bệnh. Theo các nghiên cứu cho thấy việc thay đổi số lượng cũng như thành phần các chất dinh dưỡng (chất đa lượng, chất vi lượng) có trong khẩu phần ăn đều có ảnh hưởng đến tăng hay giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm các yếu tố sau: tổng năng lượng, chất béo (lipid), Chất đường (glucid), chất đạm (protid), chất xơ (fiber), rượu (alcohol), các vi chất dinh dưỡng.

Dinh dưỡng tiết chế là một phân khoa của dinh dưỡng học. Phân khoa này có nhiệm vụ xây dựng công thức, khẩu phần và chế độ ăn lành mạnh phù hợp cho người bình thường và khẩu phần bệnh lý cho người bệnh.

Các bác sĩ dinh dưỡng tại Bệnh viện Tim Tâm Đức là những chuyên gia về lĩnh vực dinh dưỡng, cùng đội ngũ chuyên viên tiết chế được đào tạo bài bản, quy trình làm việc chuyên nghiệp để đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống an toàn, hợp lý dựa trên thông tin về bệnh sử, nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Đội ngũ y bác sĩ sẽ cùng người bệnh tăng cường dinh dưỡng hỗ trợ, tư vấn chế độ ăn bệnh lý mãn tính liên quan đến dinh dưỡng, phòng ngừa và điều trị thiếu hụt dinh dưỡng…

Trong suốt thời gian qua, phân khoa Dinh dưỡng Tiết chế luôn đóng góp tích cực trong công tác điều trị thông qua các hoạt động: Cung cấp suất ăn bình thường và suất ăn bệnh lý, tư vấn chế độ dinh dưỡng và can thiệp dinh dưỡng nâng cao thể trạng cho người bệnh có vấn đề về dinh dưỡng, giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau điều trị.

Khám và tư vấn cho bệnh nhân ngoại trú 

• Người bệnh được đo chiều cao, cân nặng và ghi nhận vào hồ sơ bệnh án.

• Tầm soát nguy cơ dinh dưỡng.

• Khám và tư vấn chế độ ăn theo độ tuổi, tình trạng sinh lý, nghề nghiệp, bệnh lý liên quan dinh dưỡng.

Khám và tư vấn cho bệnh nhân nội trú

• Người bệnh được đo chiều cao, cân nặng và ghi nhận vào hồ sơ bệnh án.

• Bác sĩ điều trị điền Bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng và chỉ định chế độ ăn cho người bệnh nội trú trong vòng 36 giờ đầu và ghi vào hồ sơ bệnh án.

• Cung cấp chế độ ăn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý của người bệnh (chỉ định chế độ ăn theo mã số; cung cấp suất ăn đúng khẩu phần, đủ chất, đủ lượng, vệ sinh; theo dõi kết quả điều trị; đánh giá lại sau 01 hay 07 ngày tùy nguy cơ dinh dưỡng; giám sát phàn nàn của người bệnh…).

• Hội chẩn dinh dưỡng khi người bệnh suy dinh dưỡng nặng, chăm sóc cấp 1, có bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng (đái tháo đường, gout, suy tim – gan – thận…) chưa ổn định. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị dinh dưỡng và danh mục thuốc dinh dưỡng, sản phẩm và dung dịch nuôi ăn, xét nghiệm.

Thực hiện các quy định an toàn về thực phẩm 

Khoa đảm bảo thực hiện những quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống trong bệnh viện.

• Bếp ăn: Đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt cơ sở vật chất, nguồn nước.

• Nhân sự: Thường xuyên khám sức khỏe, vệ sinh tay, nâng cao ý thức.

• Kiểm soát chất lượng thực phẩm từ như khâu mua hàng, bảo quản, chế biến, phân phối.

• Luôn lưu mẫu thức ăn.

Khoa thường xuyên tổ chức hội chẩn giữa cán bộ khoa Dinh dưỡng tiết chế với bác sĩ điều trị về chế độ ăn trong các trường hợp bệnh đặc biệt liên quan đến dinh dưỡng.

Khoa luôn xây dựng và cập nhật tài liệu truyền thông về dinh dưỡng tiết chế, an toàn thực phẩm cho người bệnh và người nhà. Khi thăm khám tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, người bệnh và người nhà sẽ được tham gia những buổi giáo dục sức khỏe và hướng dẫn thực hiện chế độ ăn bệnh lý và an toàn thực phẩm tại bệnh viện.

Đặc biệt trong tháng 12 này Bệnh Viện Tim Tâm Đức sẽ mở rộng thêm phòng TƯ VẤN DINH DƯỠNG có kỹ thuật sâu về khám và tư vấn DINH DƯỠNG, có thêm kỹ thuật mới “cân đo phân tích cơ thể”. Bạn sẽ biết rõ về khối lượng của cơ thể về: mỡ, mỡ bụng, xương, cơ, nước,… bao nhiêu phần trăm (%) để theo dõi và được tư vấn tốt nhất về sinh hoạt và chế độ ăn uống của bản thân. Bác sĩ trưởng khoa BS. CKII. LÂM MỸ DUNG – Trưởng khoa Dinh Dưỡng tiết chế, đề tài luận văn chuyên khoa cấp II về Dinh dưỡng, chuyên khám, tư vấn và hội chẩn cùng đội ngũ bác sĩ Dinh dưỡng và điều trị tại bệnh viện Tâm Đức. Quý khách hàng và quý bệnh nhân quan tâm đến sức khỏe, đặc biệt về Dinh Dưỡng có thể liên hệ đăng ký khám và tư vấn Dinh Dưỡng hàng tuần từ sáng thứ 2 đến thứ 6 với bác sĩ Dung tại quầy lễ tân hoặc liên hệ với các số điện thoại của bệnh viện 02854110036 để được đăng ký khám và tư vấn Dinh Dưỡng.

Quý khách hàng sau khi khám tim mạch hoặc khám kiểm tra tổng quát, sau khi được đánh giá Dinh dưỡng ban đầu tại phòng khám, có nhu cầu quan tâm về Dinh Dưỡng hàng ngày hay bệnh lý cũng có thể đến với phòng tư vấn Dinh dưỡng.

Đối với quý bệnh nhân nội trú của bệnh viện, ngoài việc đánh giá và hội chẩn Dinh Dưỡng tại khoa. Khi xuất viện, quý bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị chỉ định thêm về tư vấn dinh dưỡng nếu có bệnh lý cần chú ý về chế độ Dinh dưỡng.

Hy vọng việc mở rộng và đi sâu của phòng tư vấn Dinh dưỡng sẽ hỗ trợ và đem đến cho quý bệnh nhân – quý khách hàng nhiều kiến thức về chế độ ăn uống tốt nhất, phù hợp nhất trong việc điều trị cũng như nâng cao lối sống lành mạnh giúp ích cho sức khỏe cho bản thân và gia đình!

Trân Trọng!

Leave a Reply

Your email address will not be published.