Siêu âm tim qua thực quản

Home / Điều trị & Thủ thuật / Siêu âm tim qua thực quản

Siêu âm tim qua thực quản

Bs Huỳnh Thanh Kiều

Siêu âm tim qua thực quản là gì?

  • Siêu âm tim qua thực quản (SATQTQ) là một phương pháp siêu âm tim sử dụng đầu dò phát ra tần số cao nối với ống dài như ống nội soi dạ dày, đưa qua miệng, xuống cổ họng và đi vào thực quản. Do thực quản  nằm sát với các buồng tim và mạch máu lớn ở cuống tim nên cho hình ảnh cấu trúc tim rất rõ nét.

Tại sao người bệnh cần phải làm siêu âm tim qua thực quản?

  • Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm SATQTQ khi siêu âm tim qua thành ngực cho hình ảnh cấu trúc tim hay mạch máu không rõ nét hay không cung cấp đủ thông tin.
  • SATQTQ cho hình ảnh của 2 tâm nhĩ, vách liên nhĩ, tĩnh mạch phổi, van 2 lá, van động mạch chủ và động mạch chủ ngực rõ nét hơn so với siêu âm tim qua thành ngực thông thường.
  • Chỉ định chủ yếu của SATQTQ là:
    • Tìm lỗ thông liên nhĩ, 4 tĩnh mạch phổi mà siêu âm tim qua thành ngực nghi ngờ hoặc bệnh nhân có tăng áp động mạch phổi mà siêu âm tim qua thành ngực chưa xác định được nguyên nhân.
    • Trước khi bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua thông tim: đo khoảng cách các rìa từ lỗ thông đến các cấu trúc lân cận có thích hợp để đặt được dụng cụ.
    • Trước khi nong hẹp van 2 lá bằng bóng qua da: đánh giá cấu trúc van (độ dày, di động, vôi hóa) theo điểm số Winkins, đánh giá mức độ hở van 2 lá, có huyết khối trong nhĩ hay tiểu nhĩ trái xem có thích hợp để nong van không.
    • Tìm huyết khối trong nhĩ trước khi chuyển nhịp ở bệnh nhân rung nhĩ.
    • Tìm huyết khối trong nhĩ hay tiểu nhĩ ở bệnh nhân nhồi máu não nghi do huyết khối thuyên tắc từ tim.
    • Đánh giá hoạt động của van tim nhân tạo (van 2 lá, van động mạch chủ cơ học) khi nghi ngờ kẹt van.
    • Tìm sùi, áp xe trên van tim, vòng van trong chẩn đoán bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
    • Bệnh lý động mạch chủ ngực như phình, bóc tách động mạch chủ ngực.
    • Ngoài ra, bệnh nhân béo phì, thành ngực dày, đặt túi ngực hoặc đang thở máy cũng có thể cần làm SATQTQ vì siêu âm tim qua thành ngực hình ảnh có thể không rõ.

Khi làm siêu âm tim qua thực quản bệnh nhân có nguy cơ gì?

  • Có vài nguy cơ liên quan đến đặt đầu dò vào miệng xuống thực quản. Người bệnh thường được cho thuốc an thần, xịt thuốc tê vào vùng hầu họng trước khi làm thủ thuật. Tuy nhiên một số bệnh nhân nhạy cảm vẫn thấy khó chịu, nhợn ói khi đặt đặt đầu dò và trong lúc làm. Ngoài ra có thể bị đau họng nhẹ trong vòng 1-2 ngày. Những trường hợp rất hiếm, SATQTQ có thể gây chảy máu trong thực quản hay thủng thực quản. Để hạn chế những biến chứng này bác sĩ sẽ làm một bảng kiểm tra an toàn (check list) cho người bệnh trước thủ thuật.

Trình tự thực hiện siêu âm tim qua thực quản ra sao?

  • SATQTQ thường được làm trong bệnh viện, thời gian thực hiện 1 ca kéo dài từ 20 đến 45 phút. Người bệnh cần đặt lịch hẹn trước và nhịn đói đó 4-6 giờ . Trình tự thực hiện 1 ca SATQTQ:
    • Bệnh nhân nằm trên giường siêu âm, được đo mạch, huyết áp, SpO2. Dán điện cực đo điện tâm đồ.
    • Bác sĩ làm bảng check list về tiền căn và an toàn người bệnh.
    • Bệnh nhân được gây tê vùng hầu họng bằng thuốc tê xịt tại chỗ.
    • Làm đường truyền tĩnh mạch, chích thuốc an thần nhẹ khi bác sĩ đã chuẩn bị xong.
    • Cho bệnh nhân cắn giữ một ống nhỏ bằng nhựa (để tránh bệnh nhân cắn ống siêu âm khi đưa vào miệng).
    • Đặt đầu dò vào miệng, đến vùng hầu họng. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nuốt và đẩy nhẹ nhàng ống đi vào thực quản.
    • Tiến hành siêu âm, thời gian của giai đoạn này khoảng 15- 20 phút.
    • Sau khi hoàn tất, rút đầu dò, tháo kim truyền thuốc và các miếng điện cực ECG.
    • Dăn bệnh nhân không ăn uống trong 2 giờ sau thủ thuật. Sau đó có thể uống sữa lạnh hoặc ăn cháo.

Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi làm siêu âm tim qua thực quản?

  • Ngày làm SATQTQ cần nhịn đói 4 – 6 giờ trước
  • Không uống rượu bia, hút thuốc lá ngày trước khi làm
  • Đến bệnh viện đúng theo lịch đã hẹn trước
  • Cần có người thân đi cùng vì bệnh nhân có dùng thuốc an thần trong lúc làm
  • Báo cho bác sĩ biết có răng giả hay tiền sử dị ứng, tiền sử các bệnh lý vùng hầu họng, thực quản, dạ dày trước đây (nếu có)

Tài liệu tham khảo: