Bệnh Lý Thần Kinh Đái Tháo Đường

Home / Bệnh học / Bệnh Lý Thần Kinh Đái Tháo Đường

BỆNH LÝ THẦN KINH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BS Võ Từ Nhất

 Bệnh lý thần kinh đái tháo đường là gì?

Bệnh lý thần kinh đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh thần kinh tiểu đường, sau đây viết tắt là bệnh TKĐTĐ)  là bệnh đặc trưng bởi sự tổn thương hệ thần kinh xảy ra nếu bạn mắc đái tháo đường type 1 hoặc đái tháo đường type 2.

Hệ thần kinh ngoại biên của bạn là một mạng lưới các dây thần kinh gọi là dây thần kinh ngoại biên. Chúng truyền thông tin giữa hệ thống thần kinh trung ương và tất cả các bộ phận khác trên cơ thể bạn, bao gồm cả cánh tay, chân và các cơ quan khác trong cơ thể. Hệ thống thần kinh ngoại biên của bạn được chia thành:

  Dây thần kinh cảm giác : các xung điện truyền dọc theo dây thần kinh cảm giác cho phép bạn chạm và cảm nhận các cảm giác như nóng, lạnh và đau. Thông tin từ các dây thần kinh cảm giác truyền đến tủy sống và não của bạn.

  Dây thần kinh vận động: các xung điện truyền dọc theo các dây thần kinh này truyền thông tin từ não và tủy sống của bạn để kích thích cơ bắp cử động.

  Dây thần kinh tự chủ: Hệ thống thần kinh tự trị của bạn kiểm soát các hoạt động tự động của cơ thể (bạn không thể điều khiển nó), chẳng hạn như nhịp đập trái tim  và việc mở rộng hoặc thu hẹp các mạch máu của bạn. Khi có sự rối loạn xảy ra trong hệ thống này, nó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến: huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, hoạt động nuốt, sự cương cứng của nam giới.

Bệnh TKĐTĐ có thể gây ra vấn đề với các dây thần kinh cảm giác, tự chủ và vận động, đặc biệt dây thần kinh ở chân và bàn chân của bạn.

 Bệnh TKĐTĐ xảy ra như thế nào?

Khi bạn mắc tiểu đường dù là type 1 hay 2, nồng độ đường cao trong máu sẽ chuyển hóa theo con đường khác biệt so với bình thường, quá trình chuyển hóa này tạo ra một số chất như fructose, sorbitol làm phá vỡ cấu trúc bình thường của tế bào sợi thần kinh. Ngoài ra đường máu cao sẽ dẫn đến hình thành quá nhiều gốc tự do, chúng làm tổn thương các mạch máu rất nhỏ và gây thiếu máu nuôi dưỡng tế bào thần kinh.

 Bệnh TKĐTĐ có thường gặp không?

Bệnh thần kinh tiểu đường là một biến chứng phổ biến của cả bệnh tiểu đường type 1 và 2. Hơn một nửa số người mắc bệnh tiểu đường type 2 trên 60 tuổi mắc bệnh thần kinh ngoại biên. Đau thần kinh dai dẳng ảnh hưởng đến 1/4 số người mắc bệnh tiểu đường.

 Ai có nguy cơ mắc bệnh TKĐTĐ ?

Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường đều có nguy cơ mắc bệnh thần kinh tiểu đường. Nguy cơ tăng lên bởi:

– Hút thuốc

– Kiểm soát kém lượng đường trong máu (glucose).

– Mắc bệnh tiểu đường đã lâuThừa cânHuyết áp cao.

– Bệnh mạch vành (nếu bạn bị đau thắt ngực hoặc đã bị đau tim).

– Bạn cũng có nhiều khả năng cao mắc bệnh thần kinh tiểu đường nếu bạn có các biến chứng khác của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như bệnh thận hoặc bệnh về mắt.

 Các triệu chứng của bệnh TKĐTĐ là gì?

Bệnh lý TKĐTĐ phân thành 3 rối loạn chính : rối loạn thần kinh cảm giác, rối loạn thần kinh vận động, rối loạn thần kinh tự động.

Bệnh thần kinh cảm giác ảnh hưởng đến các dây thần kinh mang thông tin về va chạm, đau, nhiệt độ và các cảm giác xúc giác khác đến não. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở bàn chân và chân. Các dây thần kinh đến cánh tay và bàn tay cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng ít phổ biến hơn. Các triệu chứng có thể bao gồm:

– NgứaTê – không thể cảm thấy chạm nhẹ.

– Không thể cảm thấy đauKhông thể phát hiện sự thay đổi nhiệt độ.

– Không nhận thức được vị trí của khớp và do đó không thể phối hợp chuyển động của khớp đó.

– Cảm giác đau, rát bỏng, có xu hướng tồi tệ hơn trong đêm.

– Bàn chân của bạn có nguy cơ cao nhất từ ​​bệnh lý thần kinh cảm giác. Mất cảm giác có thể khiến bạn không nhận thức được những vết thương nhỏ ở bàn chân, chẳng hạn như khi đi chân trần hoặc giày của bạn cọ xát vào da. Nếu bất kỳ thương tích nhỏ như vậy bị bỏ qua thì vết thương có thể bị nhiễm trùng hoặc hình thành vết loét.

 Bệnh lý thần kinh tự động tổn thương hệ thống thần kinh tự động có thể gây ra một loạt các triệu chứng, chẳng hạn như: Các vấn đề với chức năng của ruột như đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy. Các vấn đề về huyết áp, bao gồm huyết áp thấp (hạ huyết áp), có thể gây chóng mặt hoặc thậm chí khiến bạn ngất. Mất các triệu chứng báo động của cơ thể khi lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết). Mất kiểm soát bàng quang (tiểu không tự chủ). Nhịp tim không đều có thể gây ra cảm giác ‘tim đập mạnh’ (đánh trống ngực). Rối loạn bài tiết mồ hôi,tăng tiết mồ hôi. Đàn ông có thể gặp khó khăn khi cương cứng trong quan hệ tình dục (rối loạn cương dương).

 Bệnh thần kinh vận động tổn thương dây thần kinh vận động gây ra yếu và giảm vận động các cơ ở gốc chi, ngọn chi hoặc toàn bộ. Các triệu chứng gây ra bởi bệnh lý thần kinh vận động có thể bao gồm khó khăn khi đi bộ, ngã hoặc khó khăn khi sử dụng tay cho các công việc hàng ngày. Bệnh thần kinh vận động cũng có thể gây co giật cơ và chuột rút.

Làm thế nào chẩn đoán và đánh giá bệnh TKĐTĐ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào gợi ý bệnh thần kinh tiểu đường, bác sĩ của bạn sẽ khám và đánh giá kỹ lưỡng về các biến chứng của bệnh tiểu đường bạn đang mắc phải. Bạn cũng sẽ có một số xét nghiệm máu để kiểm tra việc kiểm soát đường huyết của bạn có tốt hay không. Bạn có thể được chỉ định làm điện cơ để đánh giá rối loạn vận động, điện tâm đồ để chẩn đoán các rối loạn nhịp, chụp dạ dày bằng Barit để chẩn đoán biến chứng liệt dạ dày thực quản, đo nước tiểu tồn dư bằng siêu âm để xác định biến chứng bàng quang.

Bệnh TKĐTĐ được điều trị thế nào?

Việc bạn kiểm soát đường huyết tốt, bỏ hút thuốc lá  đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tiến triển của bệnh. Một số nhóm thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng đau do bệnh TKĐTĐ như nhóm thuốc chống trầm cảm, nhóm thuốc giảm đau dẫn xuất từ á phiện, các vitamin nhóm B có thể sẽ được bác sĩ kê toa cho bạn. Một loại thuốc mới có tên là Alpha lipoic acid được biết đến là loại thuốc có tác dụng làm giảm quá trình oxy hóa và làm chậm sự tiến triển của bệnh TKĐTĐ. Ngoài ra có cả thuốc dạng kem capsaicin bôi trên da cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả.

Bạn có thể được hướng dẫn các chương trình tập luyện để duy trì sức mạnh cơ, thăng bằng khi di chuyển. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách chăm sóc bàn chân để phòng ngừa biến chứng.

Phòng ngừa bệnh TKĐTĐ như thế nào?

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh TKĐTĐ bằng cách:

– Không hút thuốc.

– Thực hiện tất cả các cuộc hẹn khám định kỳ để xem xét việc kiểm soát đường máu của bạn có tốt không. Điều này sẽ giúp đảm bảo bạn đang được điều trị tốt nhất cho bệnh của mình.

– Những biến chứng nếu có sẽ được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, khi đó việc điều trị có thể hiệu quả hơn.Kiểm tra bàn chân của bạn ít nhất mỗi năm một lần.

Tài liệu tham khảo :

Leave a Reply

Your email address will not be published.